► PV: BS có thể chia sẻ những điều cơ bản nhất về bệnh phong?
BS Lâm Minh Hiền: Phong là bệnh gây nên do trực khuẩn Hansen, bệnh có tính chất kéo dài và lây, biểu hiện toàn thân nhưng nổi bật và thường xuyên nhất là triệu chứng da và một số dây thần kinh.
Vi khuẩn xâm nhập chủ yếu qua da bị xây xát, bệnh thường thải vi khuẩn chủ yếu qua thương tổn ở mũi, họng ở giai đoạn muộn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 2-3 năm, chưa xác định được chính xác. Triệu chứng sớm khó phân biệt với các bệnh khác như người bệnh sốt nhẹ, buồn ngủ, cảm giác vướng màng nhện. Ở thời kỳ toàn phát, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng: Ngoài da, thần kinh, cơ, rối loạn dinh dưỡng, loạn chứng bài tiết, phủ tạng và ngũ quan.
Rửa tay sạch sẽ nhằm hạn chế vi khuẩn gây bệnh
► PV: Bệnh phong được nhìn nhận như thế nào trong xã hội hiện đại, thưa BS?
BS Lâm Minh Hiền: Bệnh phong theo cách gọi của người dân miền Nam là bệnh cùi. Trước đây, bệnh phong được xem là một trong tứ chứng nan y, có nghĩa là không chữa được. Bệnh phong không gây tử vong nhưng hình ảnh của người mắc bệnh làm cho mọi người kỳ thị, xa lánh và sợ hãi.
Trước đây, vì nhiều lý do khác nhau, bệnh nhân đến khám thường ở giai đoạn muộn nên có nhiều tàn tật. Tuy nhiên, những năm gần đây, hiệu quả của việc quản lý, chăm sóc, điều trị làm cho hình ảnh của người bệnh phong thay đổi hoàn toàn, không bị các biến chứng tàn tật. Bệnh có thể khống chế, cắt được sự lây lan, chữa khỏi, xã hội cũng đối xử nhân đạo với người bệnh hơn.
► PV: BS có thể chia sẻ thêm về những dấu hiện nhận biết bệnh phong?
BS Lâm Minh Hiền: Tùy theo giai đoạn, thể loại mà bệnh phong có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau. Bệnh phong có 2 giai đoạn:
Giai đoạn sớm: Bệnh phong chỉ có những biểu hiện ngoài da. Nếu người bệnh được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn này thì sẽ khỏi hoàn toàn.
Giai đoạn muộn: Bệnh phong có biến chứng, gắn liền với tổn thương dây thần kinh ngoại biên mà thường gặp nhất là sự co rút các ngón tay, ngón chân, teo cơ, đi lết, loét giác mạc gây mù lòa,... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe,
sức lao động của bệnh nhân.
► PV: Người dân thường sợ bệnh phong có phải vì bệnh này dễ lây, thưa BS?
BS Lâm Minh Hiền: Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng nên tất nhiên phải lây, tuy nhiên, bệnh phong được xếp vào nhóm bệnh khó lây, khó mắc. Khó lây vì số lượng người mắc bệnh phong trong cộng đồng rất thấp.
Nói thấp vì thứ nhất, tỷ lệ bệnh phong ở Long An đến cuối năm 2017 khoảng 0,06%. Năm 2017, chỉ phát hiện mới 1 trường hợp trên tổng dân số của tỉnh. Thứ hai, khi vi khuẩn xâm nhập vào thì cơ thể có miễn dịch để chống lại sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Hầu hết cơ thể mọi người đều có miễn dịch hữu hiệu với bệnh phong nên nếu vi khuẩn phong xâm nhập vào cơ thể thì vẫn khó có khả năng mắc bệnh. Mặt khác, ngày nay, bệnh nhân phong được chẩn đoán sớm ngay khi vừa có các biểu hiện ngoài da.
► PV: Nếu tiếp xúc với bệnh nhân phong thì cần làm gì để không bị lây, thưa BS?
BS Lâm Minh Hiền: Bệnh truyền nhiễm nói chung muốn lây thì phải có vi trùng. Mọi người cần hiểu, một bệnh nhân phong đang được điều trị thì vi trùng giảm đến mức tối thiểu và không thể lây. Còn nếu tiếp xúc với bệnh nhân phong chưa được điều trị, chúng ta cũng nên an tâm vì cơ thể có miễn dịch rất tốt đối với bệnh phong. Có nghĩa, tiếp xúc với bệnh nhân phong chưa hẳn sẽ bị lây bệnh.
► PV: Thưa BS, ngành Y tế Long An đã và đang làm gì để tiến tới loại trừ bệnh phong?
BS Lâm Minh Hiền: Dự án phòng, chống bệnh phong được triển khai tại Long An từ năm 1992. Thành công của dự án là từng bước giảm tỷ lệ người mắc bệnh phong đến mức rất thấp. Năm 2011, Long An được công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô tuyến tỉnh.
Hiện nay, chúng tôi xây dựng các kế hoạch để tiến tới loại trừ bệnh phong ở quy mô tuyến huyện. Kế hoạch này được xây dựng với 4 hoạt động chính: Quản lý, chăm sóc người bệnh; quản lý, chăm sóc người tàn tật do bệnh phong (chương trình phòng, chống tàn tật do bệnh phong gây ra); phục hồi kinh tế, xã hội cho bệnh nhân phong và truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh phong. Với 4 nội dung này, hy vọng sẽ loại trừ bệnh phong ở quy mô tuyến huyện trong thời gian tới.
► PV: Để tiến tới loại trừ bệnh phong ở quy mô tuyến huyện, người dân cần làm gì để góp phần thực hiện cùng ngành Y tế?
BS Lâm Minh Hiền: Việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong là nhiệm vụ của ngành Y tế. Tuy nhiên, việc phục hồi kinh tế cho bệnh nhân phong thì ngành không thể đảm đương mà cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Mọi người có thể chung tay hỗ trợ bệnh nhân phong bằng cách: Hiểu rõ về bệnh phong để không xa lánh, kỳ thị; hỗ trợ người mắc bệnh phong vì người bệnh không đủ sức khỏe để lao động, dẫn đến ảnh hưởng thu nhập; hầu hết bệnh nhân phong là người nghèo nên cần hỗ trợ, chăm lo về đời sống, công việc, nhà ở để hướng tới một xã hội mà nơi đó, bệnh nhân phong được hưởng nhiều chế độ ưu đãi, được hỗ trợ, chăm sóc trong cuộc sống.
► PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Thanh Bình (thực hiện)