Tiếng Việt | English

13/10/2015 - 09:40

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM TỈNH LONG AN

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Long An nói riêng vốn có truyền thống yêu nước và đã có nhiều đóng góp to lớn suốt chiều dài lịch sử. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập kinh tế, nông dân Long An tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của mình trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ Tổ quốc.


Trao kỷ niệm chương

Truyền thống anh hùng

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 – 14-10-2015), Hội Nông dân tỉnh tổ chức buổi họp mặt nhằm ôn lại truyền thống, đồng thời tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt trong thời gian qua vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Truyền thống lịch sử hào hùng của giai cấp nông nhân, của Hội Nông dân đã được Chủ tịch Hội Nông dân – Phạm Minh Hùng ôn lại những chặng đường 85 năm, từ những ngày đầu mới thành lập cũng như những đóng góp của hội qua các thời kỳ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.

Ông Trần Văn Triệu - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2 đã khẳng định, giai cấp nông dân là “giai cấp đông đảo nhất, cũng là tổ chức gian khổ và cay đắng nhất”. Ông nói: “Khi chưa có sự lãnh đạo của Đảng, nông dân nước ta nói chung và tỉnh nhà nói riêng hết sức nghèo khổ, phải chống chọi với cả chế độ phong kiến và thực dân xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân nổi dậy, đấu tranh giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần giành độc lập, cởi trói cho giai cấp nông dân”.

Không chỉ vậy, sau chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề, đời sống người dân hết sức khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nòng cốt là Hội Nông dân các cấp, nông dân lại bắt tay vào cải cách sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, cải thiện thu nhập, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Với trên 70% người dân sống ở nông thôn, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm gần 50%, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã nỗ lực xây dựng, củng cố tổ chức, đi đầu trong công cuộc khai hoang, phục hóa thành công ở Đồng Tháp Mười, biến vùng đất bưng biền hoang vu, nhiễm phèn, ngập lũ thành vựa lúa trù phú. Giai đoạn 2010-2015, nông dân tỉnh đã làm ra hơn 2,75 triệu tấn lúa/năm, bảo đảm vững chắc an toàn lương thực và cho xuất khẩu, nông thôn Long An ngày càng đổi mới.


Nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Nông dân thời đại mới

Long An có 330.000ha đất nông nghiệp, chiếm 2/3 diện tích đất toàn tỉnh, vì vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp vẫn là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa lâu dài. Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Hội Nông dân tỉnh ngày càng thể hiện rõ là tổ chức trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Hội có những đóng góp hết sức quan trọng vào việc phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hình thành vùng chuyên canh,… 

Đồng hành cùng nông dân trong suốt thời kỳ đổi mới đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt phong trào 3 thi đua do Trung ương Hội phát động. Từ đó, có hàng chục ngàn hộ nông dân thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 2,98%. Bình quân hằng năm, có trên 20 tập thể và 72.000 cá nhân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong Hội nghị điển hình tiên tiến 3 năm, các cấp hội trong tỉnh đã tuyên dương hơn 2.000 gương điển hình tiên tiến từ cấp cơ sở trở lên.

Giai đoạn 2010-2015, nông dân tỉnh đã làm ra hơn 2,75 triệu tấn lúa/năm, bảo đảm vững chắc an toàn lương thực và cho xuất khẩu, nông thôn Long An ngày càng đổi mới.

Có mặt trong ngày vui truyền thống 85 năm của Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Trần Văn Cần đã biểu dương những kết quả mà Hội Nông dân Long An đã đạt trong thời gian qua. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, hội cần thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận, đổi mới phương thức hoạt động, nâng chất các phong trào thi đua nhằm xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh. Ông cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt việc tăng cường lãnh đạo, phát huy vai trò trách nhiệm, chủ động phối hợp với hội giúp đỡ nông dân về vốn, dạy nghề, đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam",…

Với bản chất và truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân và của Hội Nông dân Việt Nam sẽ giúp Hội Nông dân tỉnh nhà tiếp tục phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn trong tương lai./.

Tấn Tú - Phương Phương

 

Chia sẻ bài viết