Tiếng Việt | English

29/06/2017 - 11:16

Tìm đầu ra cho nông sản - Bài cuối: Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao “cất cánh”

Từ những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh được đề cập ở những bài trước, sự vào cuộc của các ngành chức năng, địa phương, đơn vị liên quan hết sức cần thiết, cùng khắc phục khó khăn, tìm ra hướng đi mới cho nông nghiệp ƯDCNC trong toàn tỉnh.


Nông sản Long An tham gia tại hội chợ, triển lãm

Sử dụng các loại giống chất lượng

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An - Mai Thị Mộng Cúc, trung tâm triển khai thực hiện các mô hình trình diễn nông nghiệp ƯDCNC tại một vài địa phương trong tỉnh. Từ đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện. Đồng thời, trung tâm tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ đến các địa phương hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân. Đặc biệt, trung tâm chú trọng sản xuất các loại giống lúa, rau ƯDCNC tại các trại giống trực thuộc nhằm phục vụ yêu cầu của đề án.

Bà Cúc nhận định, thực hiện nông nghiệp ƯDCNC không quá khó đối với các hộ dân, vì vậy, người dân đừng nên e ngại. Bà cho rằng, chỉ cần thành công ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp bằng việc đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các loại giống xác nhận, chắc chắn sẽ tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Cùng chung suy nghĩ với bà Cúc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Lê Quốc Dũng cho biết, thời gian qua, sở thực hiện nhiều mô hình điểm về nông nghiệp ƯDCNC: Sản xuất các giống lúa chịu phèn, năng suất cao, chất lượng tốt giai đoạn 2016-2019. Bên cạnh đó, sở phối hợp Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM),... nghiên cứu, phục tráng, xây dựng các mô hình theo từng giai đoạn CNC, trong đó, phải kể đến việc đưa các công nghệ sử dụng tia laser san phẳng mặt ruộng, sử dụng máy cấy, công nghệ sử dụng robot phun thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ sản xuất lúa ướt - khô xen kẽ,... Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, các công đoạn đó cần có sự liên kết, phối hợp của doanh nghiệp mới khả quan.

Ông nói: “Khi xã hội ngày càng phát triển, con người càng chú trọng đến an toàn thực phẩm. Do đó, ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp là một lợi thế. Có thể bước đầu tiến hành, vốn đầu tư cho các mô hình khá cao nhưng sau đó, lợi nhuận nông dân (ND) thu về rất lớn. ND phải thay đổi suy nghĩ, cách làm trong thị trường ngày nay”.

Thay đổi tư duy sản xuất

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Khi thực hiện các mô hình trình diễn, tỉnh cần có chính sách, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ người dân các chi phí phù hợp. Đồng thời, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính để thực hiện nông nghiệp ƯDCNC. Các ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện. Phía sở phối hợp, tuyên truyền làm thay đổi cách nhìn của ND về đề án. Sở tăng cường liên kết 4 nhà, hỗ trợ các điểm bán sản phẩm an toàn cho hợp tác xã, tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại để tìm kiếm thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Quan trọng, người dân cần thay đổi tư duy sản xuất, xóa bỏ cách làm truyền thống (chủ yếu thủ công) chuyển sang sản xuất khoa học, hướng chuyên nghiệp, liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ND phải có trách nhiệm chính với sản phẩm của mình. Có như vậy, mới tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.


Điểm bán hàng an toàn tại chợ phường 2, TP.Tân An giúp giới thiệu sản phẩm rau an toàn đến với người dân

Chú trọng thị trường trong nước

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức thông tin, thời gian qua, tỉnh thành lập nhiều đoàn đi nước ngoài xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm tìm kiếm thị trường cho hàng hóa nông nghiệp. Đồng thời, sở phối hợp các đơn vị liên quan thành lập nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư tại TP.HCM, các tỉnh, thành khác để giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến các siêu thị, công ty (Cty) trong lĩnh vực thực phẩm. Hỗ trợ các hợp tác xã tham gia phiên chợ bán hàng an toàn tại TP.HCM, 1 điểm tại chợ phường 2, TP.Tân An.

Theo ông Ðức, để nông nghiệp ƯDCNC đi đúng hướng, người dân cần sản xuất các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Người dân phải có đầu mối giao nhận, tức là tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tạo nên chuỗi liên kết trong cung ứng các mặt hàng. Sản phẩm cần có bao bì đóng gói, phải có mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Ông Đức cho rằng, với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam là thị trường tiềm năng, hứa hẹn nhưng hầu như người dân vẫn chưa khai thác được thị trường trong nước. Có một nghịch lý đáng buồn, người Việt lại có tâm lý chuộng hàng ngoại dù giá cao hơn hàng Việt rất nhiều lần, dù một số mặt hàng chất lượng, mẫu mã có khi chẳng hơn nhau là bao. Do đó, người Việt phải “cứu” người Việt bằng cách ưu tiên sử dụng hàng Việt. Để thực hiện được điều này, các sản phẩm nông nghiệp của ND cần có uy tín, chất lượng, an toàn. Có như vậy, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới chiếm lĩnh được thị trường trong nước, vươn ra thế giới, hạn chế được tình trạng “được mùa - rớt giá” và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Cần có công nghệ - định hướng thị trường

Đại diện Cty TNHH Hợp Nhất Nông tại Long An - Kỹ thuật trưởng Vũ Viết Kiên chia sẻ, bản thân anh có kinh nghiệm hơn 4 năm công tác và làm việc trong một Cty chuyên về lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Israel. Sau đó, anh về nước và đầu tư trồng rau thí điểm tại Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương,... Sau thời gian đi khảo sát thực tế, tìm hiểu khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Cần Giuộc, tháng 3/2017, Cty cử anh xuống xã Long An, huyện Cần Giuộc xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC trong trồng rau sạch, dưa lưới và dâu tây.

Hiện, anh đang nghiên cứu thí điểm một số loại rau mới với diện tích 1,8ha. Những giống rau này anh đều nhập từ Israel, sử dụng công nghệ tiên tiến. Anh ấp ủ dự định mở rộng diện tích, xây dựng nhà lưới, nhà màng và thành lập vườn ươm giống,... theo quy trình khép kín và xuất đi nước ngoài. Anh cho rằng, không chỉ trồng và xuất khẩu những loại rau sạch, anh sẵn sàng liên kết với ND khi họ có nhu cầu. Cty cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp, ngoài vốn đầu tư, nếu nắm vững thuật chăm sóc, có sự tư vấn, “xắn tay” vào làm không quá khó như nhiều ND từng nghĩ. Và chắc chắn, lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều.

Sản xuất nông nghiệp là quá trình lâu dài. Do đó, ND phải thay đổi cách nghĩ, làm nông nghiệp hiện nay không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm, truyền thống mà phải ứng dụng công nghệ, nắm bắt kỹ thuật tiên tiến, nghiên cứu nhu cầu thị trường, người tiêu dùng. Tại Israel, người tư vấn có vai trò rất quan trọng. Họ là những người định hướng thị trường, hướng dẫn ND trồng giống gì, cây gì, nuôi con gì, bán cho ai, bán như thế nào,... Như vậy, sẽ không làm hàng hóa tồn đọng và hạn chế tình trạng “cung vượt cầu”. Và hầu như không chỉ tại Long An mà nước mình còn yếu về vấn đề này.

Làm cho dân tin

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc - Đặng Duy Dũng cho rằng, bản thân anh và các xã viên hợp tác xã biết đến quy hoạch vùng rau ƯDCNC và rất đồng tình. Anh kiến nghị, trước mắt, các ngành liên quan cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ ND về kỹ thuật để họ làm quen với cách trồng rau theo công nghệ mới này. Hơn nữa, Nhà nước cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, nước, nhất là không cúp điện vào mùa khô,... Quan trọng hơn cả, địa phương phải làm thí điểm một mô hình nhỏ để mọi người học tập. Bên cạnh đó, anh Thịnh mong muốn có đội ngũ am hiểu về nông nghiệp, nhiệt tình, trực tiếp cùng ND ra đồng,... để người dân tin tưởng vào chương trình./.

Thanh Nga-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết