Tiếng Việt | English

24/09/2021 - 14:44

Tìm giải pháp cho nhóm người bị tổn thương nặng nề vì Covid-19

Đại dịch Covid - 19 đang hoành hành tại nhiều quốc gia, gây tổn thất nặng nề đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Hôm nay (24/9), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc ( UNDP) công bố hai đánh giá về tác động kinh tế xã hội của Covid-19 đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam và Thiết kế, thực hiện gói hỗ trợ thứ 2 của chính phủ cho người bị ảnh hưởng Covid-19. Ông Terence D. Jones, Đại diện thường trú lâm thời của UNDP tại Việt Nam và các chuyên gia kinh tế cấp cao của UNDP tham dự hội nghị trực tuyến.

Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm của người dân Việt Nam (ảnh minh họa)

Đại dịch Covid - 19 đang hoành hành tại nhiều quốc gia, gây tổn thất nặng nề đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương. Khảo sát mới nhất về tác động được thực hiện với các hộ gia đình dễ bị tổn thương tại 63 tỉnh thành của Việt Nam.

Về tác động việc làm, có 3 loại tác động là mất việc, hai là nghỉ việc tạm thời, thứ 3 là giảm giờ làm, giảm thu nhập. Kết quả cho thấy 88% hộ gia đình bị ít nhất một trong số tác động. Hộ làm việc ngành du lịch dịch vụ, chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Về thu nhập, tính đến tháng 7 năm 2021, trung bình thu nhập của các hộ giảm đáng kể là 44%. Ngoài ra còn có các tác động liên quan sức khỏe tinh thần, an ninh lương thực nhà ở.

Trong hoàn cảnh đó các biện pháp ứng phó chính của các hộ gia đình là cắt giảm chi tiêu, di chuyển khỏi vùng bị ảnh hưởng và tăng mức độ bao phủ tiêm chủng.  Khảo sát cũng cho biết phần lớn những người được hỏi chưa nhận được sự hỗ trợ với những khó khăn trong quá trình đăng ký. 

Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự Báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam đưa ra một số khuyến nghị cụ thể.

 “Phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn nên được sử dụng trong chiến lược mở cửa trở lại. Về vaccine, cần đơn giản hóa thủ tục tiêm vaccine, sửa đổi danh dách ưu tiên tiêm chủng, khuyến khích mọi người tiêm chủng bằng phương pháp truyền thông hiệu quả và tăng cung ứng vaccine trong ngắn hạn và dài hạn. Nhanh chóng ban hành một số chương trình hỗ trợ tiền mặt mới với ngân sách khoảng 5% GDP hàng quý, giảm thủ tục hành chính, áp dụng kỹ thuật số để các nhân tự đăng ký”- ông Thắng nói.

Chính phủ trong thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách đề hỗ trợ cho nhóm người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong đó có gói hỗ trợ thứ 2 trị giá 26 nghìn tỷ. Bà Pham Minh Thu, Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá gói hỗ trợ 2 được ban hành kịp thời nhưng thiết kế với quy mô quá nhỏ về tất cả các tiêu chí như nguồn kinh phí, mức hỗ trợ và quy mô đối tượng.

Bà Thu cũng đưa ra một số khuyến nghị: “Trong ngắn hạn tăng cường chương trình ngân sách tiền mặt với ngân sách đủ lớn, thay đổi mức hỗ trợ lớn hơn, đáp ứng mức sống tối thiểu, tăng cường kỹ thuật số kịp thời để hỗ trợ kịp thời cho các cá nhân”.

 Tại hội nghị các đại biểu cũng đánh giá cao những nỗ lực và hành động của chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó và hỗ trợ cho nhóm những người dễ bị tổn thương. Ông Terence D. Jones, đại diện thường trú lâm thời của UNDP tại Việt Nam bày tỏ hi vọng các khuyến nghị trong hai báo cáo của UNDP sẽ được chính phủ và xã hội VN xem xét áp dụng để ứng phó với tình hình dịch bệnh:  “Các nhóm dễ bị tổn thương đã bị bỏ lại phía sau, chống chọi những tác động của dịch bệnh, công việc bị ảnh hưởng, an ninh lương thực khó khăn hơn. Các dự án có thể hỗ trợ việc làm như tiêm vaccine, cũng cấp khả năng cho những người bị ảnh hưởng. Mặc dù đã có nỗ lực đó rồi nhưng do các thủ tục hành chính phức tạp nên rất nhiều người chưa được tiếp cận. Khuyến nghị này có thể giúp hỗ cho chính phủ Việt Nam trong các chính sách đối phó với đại dịch”./.

Phạm Hà/VOV.VN

Chia sẻ bài viết