Tiếng Việt | English

05/11/2020 - 11:02

Tình quân - dân nơi biên giới

Đồn Biên phòng (ĐBP) Long Khốt quản lý hơn 17km đường biên thuộc địa bàn 2 xã Thái Bình Trung và Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng. Bằng sự gắn bó quân dân mật thiết, cán bộ, chiến sĩ vừa hỗ trợ, giúp đỡ người dân, vừa làm tốt công tác tuyên truyền góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng biên giới.

Chuyện các anh “xắn tay áo” giúp dân xây nhà, cắt lúa,… là hết sức bình thường 
(ảnh tư liệu)

Dân gọi bộ đội trả lời

Tính đến nay đã 3 năm, em Bùi Quang Trung (ấp Trung Môn, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) được ĐBP Long Khốt hỗ trợ Nâng bước em tới trường. Mỗi đầu năm học, Trung được cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ 6 triệu đồng để trang trải các khoản phí cần thiết. Kể từ khi mẹ Trung bệnh nặng, nằm một chỗ, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, kinh tế chính chỉ trông vào tiền làm thuê “ngày có, ngày không” của cha Trung. Thấy gia cảnh khó khăn, nhiều lúc Trung muốn bỏ ngang việc học, đi làm giúp cha. Học bổng Nâng bước em tới trường của ĐBP Long Khốt giúp Trung vơi bớt khó khăn và vững vàng hơn.

Ngồi trong căn nhà mới xây, ông Bùi Văn Hoan - cha Trung, kể: “Căn nhà này là do ĐBP Long Khốt hỗ trợ tiền xây dựng, rồi mấy chú bộ đội tới phụ đào móng, xây nhà, bớt được một khoản nhân công. Không có mấy chú cũng không biết chừng nào mới có được cái nhà”. 

Những trường hợp như gia đình em Trung hầu như không lạ ở 2 xã biên giới Thái Bình Trung và Thái Trị. Người dân ở đây hầu như ai cũng đều “quen mặt, biết tên” cán bộ, chiến sĩ trong đồn và ít nhiều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ. Riêng Quỹ học bổng Nâng bước em tới trường (do cán bộ, chiến sĩ đóng góp) đang hỗ trợ lâu dài cho 7 học sinh (4 học sinh thuộc 2 xã Thái Bình Trung và Thái Trị, 3 học sinh thuộc nước bạn Campuchia). 

Cán bộ, chiến sĩ ĐBP Long Khốt với người dân biên giới như “cá với nước”. Chuyện các anh “xắn tay áo” giúp dân xây nhà, cắt lúa,... là hết sức bình thường. Thiếu úy Nguyễn Tuấn Anh kể: “Chúng tôi thường dành thời gian đi công tác địa bàn, đến thăm hỏi người dân địa phương. Lúc đến nhà thấy người dân đang làm việc gì cũng phụ giúp như người nhà”. Có lẽ nhờ vậy mà các cán bộ, chiến sĩ ĐBP Long Khốt được người dân tin tưởng và quý mến. 

Khi tuyên truyền riêng lẻ, cán bộ, chiến sĩ đến từng nhà, gặp từng hộ dân

Bộ đội nói dân nghe
Nhờ sự tin yêu đó mà công tác tuyên truyền của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Long Khốt có nhiều thuận lợi. Những việc “mấy chú” làm và những điều “mấy chú” nói được người dân đồng tình hưởng ứng. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa rồi, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Long Khốt đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân ý thức bảo vệ mình và cộng đồng, tránh đến những địa bàn xa, đang có dịch. Thời điểm đó, có một gia đình thuộc xã Thái Bình Trung chuẩn bị đi dự lễ giỗ ở tỉnh Bình Thuận nhưng sau khi được tuyên truyền và hàng xóm phân giải thiệt hơn, gia đình đã quyết định không đi để bảo đảm an toàn. 

Cũng từ đợt dịch đó, nhiều người dân vùng biên giới bị ảnh hưởng kinh tế gia đình do chính sách đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước mà người dân đồng tình ủng hộ, chủ động thực hiện nghiêm quy định. Anh Trương Ngọc Tuấn (ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) kể: “Tôi là tiểu thương bán cá ở chợ Svay Rieng. Từ khi có quy định cấm qua lại biên giới vì dịch bệnh, gia đình tôi mất hẳn nguồn thu nhập chính. Khó khăn thật nhưng tôi chấp hành và ủng hộ, mong cho dịch mau qua và việc làm ăn sớm trở lại bình thường”.

Học bổng Nâng bước em tới trường của Đồn Biên phòng Long Khốt giúp Bùi Quang Trung vơi bớt khó khăn, an tâm học tập

Để có được sự đồng thuận đó của người dân, lực lượng bộ đội biên phòng cùng chính quyền, đoàn thể địa phương phải quyết liệt trong công tác vận động, tuyên truyền. Thiếu tá Nguyễn Văn Giàu - Đồn trưởng ĐBP Long Khốt, cho biết, để giúp người dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồn thực hiện song song tuyên truyền tập trung và riêng lẻ. Đối với tuyên truyền tập trung, đồn phối hợp các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền trong các cuộc họp dân hoặc các sự kiện tại địa phương. Đối với tuyên truyền riêng lẻ, cán bộ, chiến sĩ đến từng nhà, gặp từng hộ dân. Đó có thể là lời nhắc nhở lồng trong đôi câu chào hỏi lúc gặp gỡ trên đường, cũng có thể là những trao đổi, phân tích, định hướng trong bàn nước trà mỗi chiều xong việc hoặc là lời khuyên lúc chuyện trò khi đang lao động giúp dân. 

Bằng nhiều hình thức khác nhau, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Long Khốt tạo nên mối quan hệ gắn bó quân - dân, làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, góp phần cùng chính quyền địa phương nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biên giới./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết