Tiếng Việt | English

24/05/2016 - 19:49

Tổng thống Obama gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam

Tổng thống Obama đang gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại trụ sở Công ty Dreamplex (tòa nhà Miss Áo Dài, Q.1, TP.HCM).

 Tổng thống Obama và bí thư Thành ủy TP.HCM tại cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng

Mở đầu sự kiện Dreamplex, Tổng thống Obama tham quan khu văn phòng khu phức hợp Dreamplex nơi trưng bày các sản phẩm được sáng tạo bởi các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, trò chuyện với các tác giả.

Mở đầu bài phát biểu, tổng thống bày tỏ niềm vui được có mặt tại TP.HCM. Ông nói: "Tôi vừa tham quan chùa Ngọc Hoàng và giờ tôi đến khu phức hợp Dreamplex. Đây là một minh chứng cho sự phát triển của TP.HCM."

TP.HCM là một thành phố luôn tôn trọng lịch sử nhưng cũng luôn hướng đến tương lai.

Tôi thấy thành phố này đầy năng lượng với rất nhiều cao ốc, cửa hàng, hàng chục triệu người luôn trực tuyến. Và ở khu Dreamplex này, nơi nơi ý tưởng thành hiện thực, tôi thấy có nhiều phát minh, sáng kiến.

Tuy nhiên, động lực phát triển của thành phố có lẽ là cơ chế vận hành. Đó là điều mà tôi muốn nói sau đây.

Đầu tiên, có thể khẳng định kinh doanh là cả một quá trình xây dựng thương hiệu. Nhưng hơn thế nữa, nó còn là thứ giúp giới trẻ có cơ hội tạo ra những cơ hội thay đổi khi bắt đầu sẽ khó khăn, nhất là đối với phụ nữ.

Tổng thống Obama trò chuyện với các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng

Vì vậy, đó là lý do khiến Dreamplex có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ là ngôi nhà của những nhà kinh doanh trẻ như các bạn mà còn là nơi để thu hút những người quan tâm đến khởi nghiệp.

Thành công của các bạn chứng minh cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Với những chương trình như YSEALI, chúng tôi đang có gắng tạo điều kiện để động viên cho các nỗ lực, sáng tạo của các bạn.

TPP sẽ tạo ra những thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi mong muốn được nghe nhiều hơn từ các bạn, những doanh nhân trẻ.

Sau bài phát biểu của ông Obama là phần giao lưu với các doanh nhân.

Đại diện những doanh nghiệp trẻ giao lưu cùng Tổng thống Obama gồm:

- Bà Hằng Đỗ, Phó Giám đốc phát triển kinh doanh và đối ngoại tại Seedcom.

- Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quản lý tại Adayroi.com.

- Khoa Phạm, Giám đốc Pháp lý và Hoạt động doanh nghiệp, Microsoft.

Ông Obama đặt câu hỏi với Lê Hoàng Uyên Vy: Có vẻ bạn đã bắt đầu khởi nghiệp từ rất trẻ?"

Lê Hoàng Uyên Vy trả lời: "Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quay lại Việt Nam để khởi nghiệp. Và sau 5 năm chúng tôi trở thành "Amazon của Việt Nam".

Ông Obama đặt tiếp câu hỏi: "Là một phụ nữ, có khó khăn đặc biệt nào đối với bạn khi khởi sự một doanh nghiệp? - Obama

Lê Hoàng Uyên Vy đáp: "Tôi tự hào là ở phụ nữ Việt Nam. Ở đây, chúng tôi được đối xử công bằng. Có rất nhiều phụ nữ ở đây chắc thống nhất với tôi điều đó."

Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc quản lý tại Adayroi.com - Ảnh: Thuận Thắng

Quay sang Khoa Phạm, Giám đốc Pháp lý và Hoạt động doanh nghiệp, Microsoft.g, ông Obama hỏi Khoa Phạm đang có dự định kinh doanh gì trong tương lai? Khoa Phạm trả lời nông nghiệp là một ngành chưa được đầu tư nhiều công nghệ ở VN. Nên có lẽ, tôi sẽ quan tâm đến lĩnh vực này.

Ông Obama đặt câu hỏi: "Bạn nghĩ những công ty ở Mỹ có thể làm thế nào để kết nối với những người khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ ở VN? Có sự khác biệt gì giữa xây dựng mạng lưới bán hàng trên mạng ở Mỹ và VN? Những khó khăn lớn nhất mà bạn gặp phải? Chính phủ nên giúp thế nào?"

Khoa Phạm trả lời câu hỏi của ông Obama bằng hình tượng của một bà nội trợ phải làm việc từ sáng đến tối, rồi lại phải đi chợ nấu ăn. Nếu bà có thể ngồi ở văn phòng và đặt mua hàng, về nhà có sẵn để nấu thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Và nếu nhân lên cho 20 năm, thời gian tiết kiệm là rất lớn.

Khoa Phạm nói áp dụng việc mua hàng qua mạng, một phụ nữ có thể tiết kiệm đến một năm cuộc đời cho 20 năm tuổi của mình.

Và trong phương thức này, chính phủ có thể giúp việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tiếp tục trò chuyện với Hằng Đỗ, ông Obama nói Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Bạn thấy cơ hội dành cho đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam theo hướng nào? Có phải là tự động hóa, xây dựng thương hiệu uy tín giúp tăng giá nông phẩm để tăng thu nhập?

Tổng thống Obama bắt tay các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam trước khi rời Dreamplex - Ảnh: Thuận Thắng

17g10 : Tổng thống Obama bắt đầu lên phòng hội nghị để gặp gỡ với các doanh nghiệp.

Tổng thống Obama trò chuyện với các tác giả ở nơi trưng bày các sản phẩm được sáng tạo bởi các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam - Ảnh: Minh Trung

Các khách mời có mặt tại hội trường Dreamplex chờ cuộc gặp gỡ với Tổng thống Obama - Ảnh: Minh Trung

15g50: Các khách mời đã tiến vào hội trường nơi Tổng thống Obama sẽ có buổi gặp gỡ với doanh nghiệp trẻ, cộng đồng doanh nghiệp.

Các khâu chuẩn bị hậu trường tại Dreamplex đã hoàn tất - Ảnh: Minh Trung

15g30: An ninh Mỹ và VN kiểm tra tất cả các phóng viên và khách mời đến sự kiện Dreamplex. Trong số khách mời chỉ có một số nhất định được nghe Tổng thống Obama phát biểu.

An ninh Mỹ và Việt Nam kiểm tra tất cả các phóng viên và khách mời đến sự kiện Dreamplex - Ảnh: Minh Trung

Dreamplex - được đầu tư hơn 10 tỉ đồng - là một không gian làm việc chung gồm ba tầng 9, 10, 11 tại tòa nhà Miss Áo Dài, TP.HCM. Nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ trở thành nơi hội ngộ những người “theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp” tại Việt Nam.

Lấy ý tưởng như mô hình không gian làm việc chung (co-working space) khá nổi tiếng tại Mỹ, Dreamplex có thể được xem là một trong những không gian làm việc chung lớn nhất hiện nay tại TP.HCM (ra mắt ngày 16-11-2015).

Dreamplex hiện có khoảng 300 thành viên làm việc tại chỗ với 50 - 60 công ty. Trong đó, 70% các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ.

Nguyễn Trung Tín, 27 tuổi, tổng giám đốc (CEO) Công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy, là một trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh đầu năm 2015./.


Minh Trung/Tuổi trẻ online

Chia sẻ bài viết