Tiếng Việt | English

20/09/2019 - 09:08

TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên kết để đưa du lịch 'cất cánh'

Là vùng đất có nhiều điểm tham quan hấp dẫn nhưng thời gian qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được tổ chức vừa qua đưa ra nhiều giải pháp khai thác thế mạnh, tạo liên kết, thương hiệu du lịch của vùng, góp phần vào sự phát triển chung của mỗi địa phương.

Chưa khai thác tiềm năng, thế mạnh

TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là một vùng rộng lớn, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn du khách gần, xa. Mỗi địa phương đều có thế mạnh, tiềm năng riêng về du lịch.

Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có

Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, năm 2018, du lịch TP.HCM và vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Riêng ĐBSCL thu hút được 40,7 triệu lượt khách, trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Toàn vùng ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn 3 sao trở lên, đặc biệt, lực lượng lao động phục vụ hoạt động du lịch trong vùng khoảng 77.000 người,…

Đây là những con số khá ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực và thay đổi từng ngày diện mạo ngành du lịch của TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Tuy nhiên, mức tăng trưởng còn chênh lệch giữa các địa phương. Nếu tính chung dân số của 14 địa phương khoảng 27,5 triệu người thì bình quân một năm, mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế. Con số này rất “khiêm tốn” so với tiềm năng của cả vùng. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển du lịch.

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Phạm Ngân

Tương tự, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An - Nguyễn Anh Dũng cho rằng: Du lịch vùng ĐBSCL còn một số hạn chế nhất định. Mỗi địa phương đều có thế mạnh du lịch riêng nhưng chưa khai thác hết. Long An cũng vậy. Dù có nhiều khu, điểm tham quan du lịch nhưng địa phương chưa thu hút cũng như là điểm đến lý tưởng đối với nhiều du khách. Từ đó, việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của mỗi tỉnh, thành.

Liên kết để cùng phát triển

Lợi thế liên kết du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL chính là sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố là du lịch MICE (hoạt động du lịch kết hợp hội họp, khen thưởng, sự kiện, triển lãm được tổ chức cho nhân viên, khách hàng, đối tác), mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi, giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi đó, thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước và biển, đảo. Nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì liên kết du lịch giữa 14 tỉnh, thành không làm giảm lợi thế cạnh tranh của từng địa phương mà ngược lại, còn phát huy lợi thế cho nhau, giúp mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Nguyễn Quang Dương, liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là cần thiết. Muốn vậy, thứ nhất, xây dựng và ký kết chiến lược hợp tác, liên kết phát triển du lịch phải xác định rõ nội dung, sản phẩm du lịch, tour, tuyến,… để bổ trợ, cùng nhau phát triển. Thứ hai, quy hoạch chuỗi liên kết du lịch, xác định trung tâm, điểm tham quan, hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng, đặc trưng kết nối tuyến, tránh trùng lắp giữa các địa phương. Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, khuyến khích kêu gọi đầu tư cũng như phát triển tour, tuyến du lịch trong vùng. Thứ tư, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch. Thứ năm, liên kết phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM để nghiên cứu thị trường, khảo sát các sản phẩm du lịch nhằm xác định lợi thế của từng địa phương, tiến tới xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng. Cuối cùng, nên hình thành ban chỉ đạo hoặc ban điều phối kết nối du lịch giữa TP.HCM và các địa phương vùng ĐBSCL.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết để cùng nhau phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết để cùng nhau phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Thanh Hùng nêu các giải pháp để liên kết phát triển du lịch đạt hiệu quả. Về giao thông, phải có chính sách ưu tiên xây dựng, nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối. Với vai trò đầu tàu, TP.HCM nên kết nối, hỗ trợ các địa phương trong vùng mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, phát triển hạ tầng. Về phía địa phương, mỗi tỉnh, thành phố cần xây dựng chính sách đầu tư phát triển du lịch,… TP.HCM hỗ trợ mời gọi tư vấn để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù riêng của địa phương, liên kết tạo tour, tuyến. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, tạo dựng thương hiệu và hình ảnh của từng địa phương; hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đào tạo kỹ năng nghề du lịch.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân đề xuất: Việc kết nối sẽ tạo ra thế mạnh, thay đổi được sự phát triển về du lịch cho TP.HCM và toàn vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Từ đó, giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần hình thành hội đồng phát triển du lịch (gồm lãnh đạo các tỉnh, thành và cơ quan tham mưu), có trách nhiệm đưa ra các ý kiến, thảo luận, đánh giá tình hình, xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025.

Các doanh nghiệp lữ hành cần có chương trình, kế hoạch để kết nối phát triển du lịch. Mỗi địa phương cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, riêng biệt và kết hợp để bổ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo bộ, ngành liên quan hỗ trợ cơ chế, chính sách cho TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó ưu tiên cải tạo, nâng cấp các di tích văn hóa, đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch. Ngoài ra, TP.HCM sẵn sàng chia sẻ, liên kết với các địa phương phát triển du lịch thông minh bằng số hóa các nguồn tài nguyên du lịch và chuẩn hóa cách tiếp cận để du khách dễ dàng truy cập, tìm kiếm địa điểm du lịch.

Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ tránh được tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự trùng lắp giữa các sản phẩm du lịch trong vùng. Liên kết cũng tạo nên thế mạnh để “ngành công nghiệp không khói” của mỗi địa phương nói riêng, cả vùng nói chung “cất cánh” cao hơn./.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Bộ Chính trị xác định, phấn đấu sớm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch phát triển phải kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa với con người, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, tận dụng công nghiệp, phát triển du lịch thông minh. Việc liên kết phát triển du lịch có vai trò quan trọng. Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL hứa hẹn mang lại kết quả tích cực không chỉ cho các địa phương trong vùng mà còn cả đất nước. Hình ảnh con người, đất nước Việt Nam sẽ nâng tầm trên trường thế giới. 

Phó Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất thành lập Hội đồng Phát triển du lịch TP.HCM và vùng ĐBSCL. Từ đó, ông yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp TP.HCM và vùng ĐBSCL để nhanh chóng thực hiện, hoàn thành kế hoạch, đưa du lịch cả vùng phát triển lên tầm cao mới, xứng tầm, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích