Tiếng Việt | English

06/06/2018 - 15:05

TP.Tân An nâng cao chất lượng thực thi công vụ

Thời gian qua, TP.Tân An, tỉnh Long An tập trung thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, trọng tâm là cải cách thủ tục, bộ máy hành chính nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.

Cán bộ bộ phận một cửa phường 7, TP.Tân An hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Nga

Cán bộ bộ phận một cửa phường 7, TP.Tân An hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Nga

Năm 2017, thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng HĐND và UBND thành phố; tổ chức cấp, phát trên 3.000 sách pháp luật cho báo cáo viên thành phố, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, trường học, các hội đặc thù và UBND các xã, phường,...

Đến nay, thành phố có 399 thủ tục hành chính (TTHC), thuộc 64 lĩnh vực được thực hiện theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông, trong đó, thành phố có 32 lĩnh vực với 249 thủ tục; xã, phường có 32 lĩnh vực với 150 thủ tục. Các TTHC đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 được công khai trên Trang Thông tin điện tử của tỉnh và thành phố theo quy định; 18 TTHC đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được công khai đầy đủ trên Trang Thông tin điện tử của thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân tra cứu, tiếp cận thông tin khi giải quyết TTHC. Các TTHC, thời gian giải quyết, mức phí được niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố và bộ phận một cửa của UBND các xã, phường. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC.

Năm qua, thành phố tiếp nhận 23.602 hồ sơ, đã giải quyết 19.482 hồ sơ đúng hạn; cấp xã, phường tiếp nhận 73.334 hồ sơ, không có hồ sơ trễ hẹn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chú trọng. Đến nay, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành của thành phố được triển khai đồng bộ tại 26 cơ quan trực thuộc UBND thành phố và UBND xã, phường; trao đổi bằng văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị đạt 99,92%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn trên phần mềm “một cửa” là 97%.

Bên cạnh những kết quả, công tác cải cách TTHC còn một số hạn chế: việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ lĩnh vực đất đai phải qua nhiều cơ quan, đơn vị nên chưa bảo đảm thời gian giải quyết theo quy định; chưa chủ động thực hiện “thư xin lỗi” đối với hồ sơ sai sót, trễ hẹn,...

Năm 2018, thành phố triển khai đồng loạt chữ ký số cho các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường. Thành phố tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm duy trì, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào các hoạt động quản lý nhà nước./.

Kim Ngân

Chia sẻ bài viết