Tiếng Việt | English

01/08/2015 - 14:30

Tranh cãi trái chiều về đề xuất chuyển từ phạt tiền sang phạt tù

Việc chuyển từ phạt tiền sang phạt tù làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của Luật Hình sự Việt Nam.

Một trong những nội dung mới của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân đó là chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù có thời hạn.

Chuyển từ phạt tiền sang phạt tù: Khó khả thi

Theo Điều 35 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trường hợp người bị kết án phạt tiền không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt này sẽ được thay thế bằng hình phạt tù có thời hạn được quy định trong điều khoản tương ứng. Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, tòa tuyên luôn nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực mà người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành.

Tương tự, trường hợp người bị kết án không có việc làm ổn định hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì phải thực hiện một số công việc phục vụ cộng đồng trong một thời hạn nhất định do tòa quyết định. Theo đó, người bị kết án bị buộc lao động không quá 4 giờ/ngày và 5 ngày/tuần, loại công việc cụ thể tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, khả năng, hoàn cảnh điều kiện thực tế của người bị kết án. Việc lao động này sẽ không áp dụng đối với người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già yếu. Để tăng tính cưỡng chế, nếu người bị kết án cố tình không chấp hành thì hình phạt này sẽ chuyển sang phạt tù có thời hạn theo công thức 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng một ngày tù.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vừa qua, khi đưa ra trình Quốc hội thảo luận về nội dung này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp không tán thành với quy định này vì nó không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi. Cơ chế, tỷ lệ chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù như dự thảo chưa bảo đảm sự thống nhất và tính hợp lý, sẽ khó bảo đảm tính công bằng.

Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến tán thành với nội dung này trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của loại hình phạt này. Để bảo đảm tính khả thi, các ý kiến đề xuất trước mắt chỉ nên quy định cho phép chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù.

Chuyển từ hình phạt tiền sang phạt tù là nặng hơn

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng việc chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù bản chất là nhẹ hơn. Vì lẽ, với những người nghèo, trường hợp bị phạt tiền nhưng họ không có khả năng nộp tiền thì họ sẽ bị gánh thêm tội không thi hành án. Nhưng nếu chuyển cho họ từ hình thức phạt tiền sang hình phạt tù sẽ nhẹ hơn với họ, vẫn đảm bảo họ phải chịu các biện pháp răn đe của pháp luật, đồng thời bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng Luật sư Bross và cộng sự) (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngược với ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng Luật sư Bross và cộng sự) cho rằng việc chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù là việc chuyển từ hình phạt nhẹ sang hình phạt nặng hơn, làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của Luật Hình sự Việt Nam.

Theo luật sư Hoàng Văn Dũng, khi quyết định một mức hình phạt cụ thể cho người phạm tội, Tòa án đã phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các đặc điểm về nhân thân, hoàn cảnh của người phạm tội, tính giáo dục, răn đe của hình phạt. Do đó, nếu luật quy định việc chuyển đổi hình phạt sẽ có thể dẫn đến phá vỡ tính phù hợp giữa hình phạt và hành vi phạm tội, làm giảm tác dụng của hình phạt. Nếu người phạm tội không có điều kiện thực hiện hình phạt tiền thì Tòa án không nên quyết định hình phạt tiền là hình phạt chính mà có thể lựa chọn hình phạt khác phù hợp hơn.

Luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng, quy định này chỉ có lợi cho những người bị kết án có điều kiện kinh tế, còn đối với những người thực sự khó khăn, không có điều kiện thực hiện hình phạt tiền thì họ sẽ phải chấp nhận một hình phạt năng hơn (là hình phạt tù). Điều đó là không đúng với nguyên tắc “bình đẳng trước pháp luật” của pháp luật nói chung và Luật Hình sự nói riêng. Quy định trên cũng không phù hợp với định hướng “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm” của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách thư pháp.

Luật sư Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành của hình phạt tiền nên cải cách các quy định về thi hành án, cũng như các cơ chế để bảo đảm thi hành án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Giải pháp này sẽ mang tính khả thi cao hơn, đồng thời cũng sẽ bảo đảm được nguyên tắc nhân đạo, pháp chế của Luật Hình sự Việt Nam.

Nên chăng chỉ áp dụng với các tội ít nghiêm trọng

Luật sư Tạ Quốc Long (Công ty Luật Đức Bảo) lại cho rằng luật cần có quy định cụ thể việc chuyển từ hình phạt tiền sang phạt tù đối với những loại tội phạm nào và trong trường hợp nào? Nên chăng chỉ áp dụng hình phạt này đối với các tội ít nghiêm trọng có xét đến lỗi cố ý hay vô ý, phạm tội lần đầu...

Theo Luật sư Tạ Quốc Long, với những bị cáo không thực hiện hình phạt tiền trong thời hạn quy định phải chuyển sang hình phạt tù có thời hạn do Hội đồng xét xử xác định phù hợp với khung hình phạt là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, đảm bảo tính khoan hồng nhưng giữ được sự nghiêm minh của pháp luật, phát huy được tính răn đe và giáo dục người phạm tội./.

Khoản 4 Điều 35 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi:

“4. Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án phải tuyên nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật mà người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành theo nguyên tắc nếu khung hình phạt được áp dụng có quy định hình phạt tù lựa chọn với phạt tiền thì căn cứ vào tỷ lệ giữa mức phạt tù và mức phạt tiền trong khung để quy đổi; nếu khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù thì áp dụng mức quy đổi như sau:

a) Mức phạt tiền đến 100.000.000 đồng tương ứng với mức phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm;

b) Mức phạt tiền từ trên 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng tương ứng với mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm;

c) Mức phạt tiền từ trên 500.000.000 đồng tương ứng với mức phạt tù từ 03 năm đến 05 năm.

Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu”.

Thanh Hà/VOV.VN

Chia sẻ bài viết