Tiếng Việt | English

25/05/2022 - 09:08

Tránh rơi vào 'bẫy nghèo' khi về già

Những năm gần đây, nhất là 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều lao động bị ngưng việc, mất việc làm, gặp khó khăn về kinh tế nên muốn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nhằm giải quyết khó khăn trước mắt. Việc rời khỏi “lưới an sinh” khi còn trẻ, còn sức lao động sẽ dễ rơi vào “bẫy nghèo” khi về già, bởi không có khoản tích lũy, thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống.

Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, cả nước có trên 4,59 triệu người hưởng BHXH một lần, trung bình cứ 2 người tham gia BHXH có 1 người rút một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút BHXH một lần. Đáng lưu ý, có tới 97% người chọn rút một lần là lao động sau 1 năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỷ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới. Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, phổ biến ở tuổi dưới 40, trong đó phần lớn chỉ 20-30 tuổi và hầu hết ở khu vực ngoài nhà nước.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc ra khỏi lưới an sinh xã hội không ảnh hưởng tới Quỹ BHXH nhưng lại khiến người lao động (NLĐ) có nguy cơ mất chỗ dựa khi về già, đó là một thực tế mà NLĐ đang gặp phải. Tuy vậy, do hoàn cảnh kinh tế và nhận thức chưa đầy đủ, nhiều NLĐ đang “vướng” vào vấn đề bất cập này.

Trên thực tế, đời sống của công nhân trong các khu, cụm công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thấp nên NLĐ muốn rút BHXH một lần để có tiền trang trải trước mắt, chưa nghĩ đến khi về già. Nhiều lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp không có ý định gắn bó lâu dài. Họ làm việc một thời gian, tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn. Cũng có nhiều người lo sợ sẽ gặp rủi ro, trượt giá, mất hết quyền lợi nên chỉ muốn cầm chắc trong tay số tiền lãnh BHXH một lần.

Một nghịch lý đang diễn ra là, trong khi có nhiều NLĐ rút BHXH một lần thì cũng có nhiều NLĐ khác tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già. Trong số những người tham gia BHXH tự nguyện, có không ít trường hợp trước đó từng rút BHXH một lần, sau đó quay trở lại tham gia “lưới an sinh”. Tham gia BHXH, ngoài được hưởng lương hưu hàng tháng, NLĐ còn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, do Quỹ Hưu trí, tử tuất bảo đảm. Như vậy, NLĐ không phải lo lắng khi ốm đau, bệnh tật. Khi NLĐ mất, thân nhân được nhận trợ cấp mai táng và tuất hàng tháng hoặc tuất một lần. Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lãnh trợ cấp một lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, NLĐ không nên vì cái lợi trước mắt mà làm mất cơ hội hưởng lợi từ chính sách ưu việt này.

Để NLĐ khi gặp khó khăn vẫn an tâm tham gia BHXH, rất cần đến những chính sách hỗ trợ kịp thời như cho vay ngắn hạn, hỗ trợ thu nhập hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm. Song song đó, cần mở rộng mạng lưới tiếp cận để NLĐ đã từng rút BHXH một lần quay trở lại “lưới an sinh”, tiếp tục tham gia BHXH, kể cả ở hình thức BHXH tự nguyện. Ngoài ra, chính sách BHXH cũng cần được điều chỉnh linh hoạt về mức đóng và cách đóng, sao cho phù hợp nhất với từng nhóm lao động, kể cả đối với BHXH tự nguyện cũng cần mở rộng các lợi ích được hưởng tiệm cận với BHXH bắt buộc.

NLĐ nên chủ động tìm hiểu các chế độ, chính sách về BHXH và cân nhắc đến những mặt lợi, hại khi rời khỏi “lưới an sinh” ưu việt này, để tránh nguy cơ rơi vào “bẫy nghèo” lúc về già khi không được hưởng lương hưu./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết