Tiếng Việt | English

02/04/2019 - 14:23

Trẻ tự kỷ và hành trình tìm lại chính mình - Bài 2: Nỗ lực tìm lại niềm vui

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm rối loạn phức tạp về phát triển não bộ, được xếp vào nhóm rối loạn phát triển lan tỏa. Trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tương lai các bé hoàn toàn khép lại. Với các trẻ tự kỷ, nếu được can thiệp sớm, quan tâm, chăm sóc, yêu thương đúng cách từ phía gia đình và xã hội thì các bé hoàn toàn có thể hòa nhập và phát huy tối đa khả năng phát triển của mình. Hành trình hòa nhập của trẻ tự kỷ thật sự không hề dễ dàng, ngoài nỗ lực phi thường của bản thân, các bé cần sự yêu thương của gia đình và vòng tay mở rộng của toàn xã hội.

Khi lên lớp, cô Trần Thị Mộng Tuyền như một người mẹ, giọng cô nhẹ nhàng, từ lời nới đến cử chỉ đều hết sức dịu dàng, tình cảm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm rối loạn phức tạp về phát triển não bộ, được xếp vào nhóm rối loạn phát triển lan tỏa. Trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tương lai các bé hoàn toàn khép lại. 

Với các trẻ tự kỷ, nếu được can thiệp sớm, quan tâm, chăm sóc, yêu thương đúng cách từ phía gia đình và xã hội thì các bé hoàn toàn có thể hòa nhập và phát huy tối đa khả năng phát triển của mình. Hành trình hòa nhập của trẻ tự kỷ thật sự không hề dễ dàng, ngoài nỗ lực phi thường của bản thân, các bé cần sự yêu thương của gia đình và vòng tay mở rộng của toàn xã hội.

Mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, các bé gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập, nhưng chỉ cần đủ yêu thương, kiên nhẫn và bao dung từ phía gia đình, xã hội thì những “mầm non” thiệt thòi ấy sẽ mạnh mẽ vươn lên!

Người mẹ “chiến binh”

Chị Linh (TP.Tân An) cho chúng tôi xem bảng điểm học kỳ 1 của con trai chị - tên Tùng, đang là học sinh lớp 6 một trường THCS trên địa bàn tỉnh. Trung bình các môn là 9,6, xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt. Có bất ngờ không khi Tùng từng được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ? Không! Đó thực sự là “quả ngọt” của một hành trình lắm gian nan.

Chị Linh kể, khi hiểu rõ vấn đề của con, chị tìm mọi cách giúp con hòa nhập và bắt kịp bạn bè. Đưa con tới trường, chị chủ động chia sẻ về con cho nhà trường để có thể phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho Tùng hòa nhập. Thế nhưng, không phải hành trình nào cũng dễ dàng.

Nhắc về khoảng thời gian con mới vào lớp 1, chị rưng rưng: “Không phải trường nào cũng đồng ý nhận con mình. Tôi đã phải chuyển trường cho con 1 lần trước khi cháu được nhận vào học tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng. Cái nhìn của xã hội đối với các cháu như Tùng còn quá khắt khe, nhiều bậc phụ huynh thời điểm đó đã không cho phép con mình ngồi cạnh con trai tôi...”.

Tùng gặp vấn đề về kỹ năng giao tiếp nên em rất nhút nhát, ngại tiếp xúc, đôi lúc lại không kiềm chế được cảm xúc. Điều đó khiến cho nhiều bậc phụ huynh khác nhìn em bằng ánh mắt kỳ thị và khiến Tùng càng khó kết bạn.

Nhưng được sự hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên đứng lớp và tình yêu thương vô bờ của mẹ, Tùng dần hòa nhập và bộc lộ năng khiếu của bản thân. Em luôn giữ thành tích học tập tốt từ năm lớp 1 và đặc biệt có năng khiếu ở môn Tiếng Anh, Toán.

Tình yêu của chị thể hiện qua việc kiên nhẫn đợi con ở cổng trường trong suốt 6 năm đến lớp của con. Chị giải thích: “Vì thương con, sợ có lúc con kích động mà cô giáo không hiểu ý thì vất vả cho cô mà cũng tội cho con nên cứ đưa con đến lớp là tôi lại ra cổng trường ngồi đợi để phòng có việc gì thì có mẹ ngay. Giờ chơi, tôi vào với con để cùng con làm quen bạn. Nhờ vậy, việc hòa nhập của Tùng cũng tốt hơn. Giờ, con lên cấp 2 và cũng có nhiều bạn, thế giới của con được mở rộng ra”.

Và Tùng đáp lại tình thương của mẹ bằng kết quả học tập “đáng gờm”. Em từng là học sinh giỏi của thành phố, sang cấp 2, thành tích của Tùng đứng thứ 2 trong lớp.

Chị Linh chia sẻ, kết quả của Tùng hôm nay gần như vượt ngoài sự mong đợi của chị, bởi có những ngày, ước mong lớn nhất của chị chỉ là tìm được một mái trường đồng ý nhận con trai mình vào học. Chị cho rằng, mẹ con chị đã thực sự may mắn cho đến thời điểm hiện tại, dẫu hành trình phía trước còn lắm gian nan.

Vòng tay cô giáo

Nhưng nỗ lực của riêng gia đình là chưa đủ. Những trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cần cả sự cảm thông và yêu thương từ xã hội, để con đường hòa nhập của các em được rộng mở hơn và tương lai các em không “đóng sầm” trước mắt.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Trần Thanh Phong cho biết: “Tuy hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ nhưng việc can thiệp sớm trong những năm đầu đời rất quan trọng trong việc phát huy tối đa khả năng phát triển của trẻ. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc trẻ mắc rối loạn phát triển. Cộng đồng cũng có vai trò không kém trong việc hỗ trợ và giúp đỡ người mắc rối loạn phổ tự kỷ”.

Nghĩ là làm, thầy Phong sáng lập nên lớp Kỹ năng giao tiếp dành cho trẻ hòa nhập hoạt động tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Với mục tiêu cùng phụ huynh giúp các bé hòa nhập và phát triển ổn định, ngoài dạy kỹ năng giao tiếp, tự phục vụ, giáo viên còn nỗ lực giúp các bé định hướng, tiếp cận nghề nghiệp cũng như phát hiện, tư vấn gia đình tạo điều kiện cho bé phát triển năng khiếu (nếu có).

Hiện tại, có 4 giáo viên hỗ trợ gần 40 trẻ có nhu cầu đặc biệt. Các bé ở nhiều độ tuổi khác nhau và gặp nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có tự kỷ.

Cô Võ Hoàng Quế Anh - giáo viên can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt cũng là một trong những giáo viên đang dạy tại lớp Kỹ năng giao tiếp, cho biết, ban đầu, lớp chỉ hỗ trợ phụ huynh có con em đang học tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh nhưng hiện tại, lớp nhận tất cả các bé có nhu cầu hỗ trợ hòa nhập hoặc can thiệp.

Lớp học không thông báo tuyển sinh rộng rãi vì không đủ giáo viên nhưng số lượng các bé đến đăng ký học ngày càng tăng, nhiều bé vẫn chưa xếp được lịch học, điều đó khiến các giáo viên dạy lớp vừa buồn, vừa trăn trở.

Cô nói: “Lớp hầu như hoạt động hết công suất tất cả các ngày trong tuần. Giáo viên dạy ở đây buộc phải sắp xếp việc nhà để ưu tiên cho công việc. Làm việc với các bé hòa nhập đòi hỏi giáo viên phải thật kiên nhẫn. Nhiều khi kết thúc một lớp, tôi mệt rã rời, chỉ muốn nghỉ ngơi, nhưng nhìn các bé lớp kế tiếp vượt đường xa chỉ để mong được học, tôi và các đồng nghiệp lại dặn lòng cố gắng”.

"Nghiên cứu cho thấy rằng, các dịch vụ can thiệp sớm có thể cải thiện đáng kể  sự phát triển của trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Can thiệp sớm giúp trẻ từ khi ra đời đến 3 tuổi học được những kỹ năng quan trọng.

Các hoạt động can thiệp sớm bao gồm trị liệu giúp trẻ có thể nói, đi lại, tương tác với trẻ khác và thực hiện các nhiệm vụ thông thường khác mà thường được phát triển trong những năm đầu đời”.

Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An - Trần Thanh Phong

Có mặt tại một lớp Kỹ năng giao tiếp do cô Trần Thị Mộng Tuyền đứng lớp, chúng tôi mới thấu hiểu hết những vất vả của giáo viên. Lớp có 4 em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, tăng động, chậm phát triển. Các em đều đã bước sang giai đoạn nặng vì không được can thiệp sớm, rất khó làm chủ cảm xúc và thường có những hành vi phản ứng mạnh.

Đón học sinh vào lớp, cô Tuyền như một người mẹ, giọng cô nhẹ nhàng, từ lời nói đến cử chỉ đều hết sức dịu dàng, tình cảm. Với những bé quá sợ hãi hoặc quá xúc động, cô vòng tay ôm lấy vỗ về cho đến khi bình tĩnh lại.

Lớp học bắt đầu với những thẻ học hình hoa. 5 cô trò ngồi quây thành vòng, cô kiên nhẫn, từ tốn dạy các bé đọc tên và nhận biết các loài hoa.

Bên ngoài lớp, các phụ huynh kiên nhẫn đợi, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng khi bỏ lỡ giai đoạn can thiệp sớm để hành trình hòa nhập của các bé thêm nhiều vất vả.

Giờ đây, có mặt tại lớp Kỹ năng giao tiếp, các gia đình chỉ mong con em mình có thể tự kiềm chế cảm xúc, khắc phục các khiếm khuyết về ngôn ngữ, giao tiếp, biết cách tự phục vụ mình để tương lai các bé không trở nên mờ mịt.

Một người bà có cháu nội đang học lớp của cô Tuyền cho biết: “Hồi tôi mới đưa cháu vô lớp, nó hầu như không biết gì, nói không nghe, muốn làm gì thì làm, tệ lắm! Học ở đây, cháu tiến bộ nhiều. Nhà tôi ở Cần Đước, hai bà cháu lên Tân An ở trọ cho cháu đi học, được thầy cô hướng dẫn để sau này không còn ông bà nữa thì cháu có thể tự lo cho mình”.

Từ câu chuyện của mẹ con chị Linh và những gì lớp học Kỹ năng giao tiếp tại Nhà Thiếu nhi tỉnh đang làm, có thể thấy, nếu được yêu thương và quan tâm đúng cách, cộng đồng mở rộng vòng tay thì trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể tìm được một tương lai tươi sáng thay vì mờ mịt, “bỏ đi” như nhiều người vẫn nghĩ./.

* Vì lý do riêng tư của gia đình, toàn bộ tên trẻ và mẹ được đề cập trong bài đều đã được thay đổi

(còn tiếp)

Bài 3: Đừng quay lưng với trẻ tự kỷ

Phương Phương

Chia sẻ bài viết