Tiếng Việt | English

08/09/2015 - 11:28

Trở lại Khánh Hưng

Những ngày cuối tháng 8, trở lại xã văn hóa, xã nông thôn mới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến đây là sự đổi thay của vùng biên giới.

 

Đường vào xã văn hóa, xã NTM Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng

Hiệu quả “kép” mà ai cũng dễ dàng nhận ra khi cuối năm 2009, xã Khánh Hưng được công nhận xã văn hóa và đến tháng 7-2014, xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới để được đón nhận danh hiệu này. Từ đây, những con đường, ngõ xóm, nhà cửa mọc lên khang trang, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Huỳnh Văn Trúc Nhơn cho biết: “Địa phương luôn xác định mục tiêu chính trong xây dựng nông thôn mới là bằng cách nào đó phải tạo sự thay đổi rõ nét trong cuộc sống của người dân. Ngay từ những ngày đầu triển khai, xã đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế một cách bền vững. Xã triển khai nhiều mô hình trồng trọt áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật,… giúp nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình 3 giảm 3 tăng, mô hình cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình 2 lúa 1 mè,… mang lại hiệu quả. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người khoảng 32 triệu đồng/người/năm…”.

Đến cuối năm 2012, 100% đường liên xã ở Khánh Hưng được nhựa hóa, bêtông hóa, cùng với 9km đường nội đồng cũng đã được bêtông hóa, xã có 55km đường liên xóm đạt chuẩn. Khánh Hưng đã nạo vét được 47,4km kênh mương, xây mới được 2 trạm bơm điện, kiên cố hóa 45km đường đê bao, 11 cống tưới tiêu phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh. Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư, nâng cấp 25 trạm biến áp với 16,642km đường dây trung thế, 22km đường dây hạ thế, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của nhân dân,...

Cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới, người dân xã Khánh Hưng đã đóng góp công sức, tiền của làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Xã đã vận động người dân hiến gần 10ha đất để xây dựng các công trình thủy lợi, dân sinh. Trong số đó có những hộ đã hiến từ 3 - 5ha đất, như gia đình ông Nguyễn Thế Lai (ấp Bàu Sen) hiến 3ha, ông Nguyễn Văn Khình (ấp Tà Nu) hiến 4ha, ông Nguyễn Văn Sự, ông Ngô Văn Phát (ấp Sậy Giăng) hiến 5ha… Ông Nguyễn Thế Lai, người đã hiến 3ha đất để xây dựng các công trình thủy lợi cho biết: “Tôi nghĩ người dân cần tích cực hưởng ứng các phong trào, cùng chung sức đóng góp tiền của, công sức xây dựng nông thôn mới. Bởi suy cho cùng, tất cả các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng cũng chỉ có người dân hưởng lợi”.

Ông Huỳnh Văn Trúc Nhơn cho biết thêm: Để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí cả về văn hóa và nông thôn mới đối với chúng tôi là một quá trình lâu dài và đầy thử thách. Khó khăn nhất hiện nay của xã là việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản, có như vậy nông dân mới gắn bó và làm giàu được trên mảnh vùng đất biên giới Khánh Hưng.

Về với Khánh Hưng hôm nay sẽ thấy hình ảnh một vùng biên giới trù phú, phát triển… Và, chúng tôi hiểu rằng, tất cả những điều ấy là minh chứng sống động cho một sự đồng thuận - đồng thuận trong việc huy động sức dân, phát huy nội lực cùng với việc tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của chính quyền địa phương trong những năm qua./.

Song Hồng

 

Chia sẻ bài viết