Tiếng Việt | English

30/04/2021 - 10:30

Trở về từ chiến trường

Thỉnh thoảng, trong những chuyến công tác, chúng tôi ghé thăm vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh và Võ Thúy Phượng (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước). Ông bà là những nhà văn viết về chiến tranh nổi tiếng của Long An, bởi cả hai từng tham gia chiến đấu. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, những chiến binh xưa về lại quê nhà, sống bình yên, hiền hòa như đất, như nước dòng sông lững lờ trôi trước ngõ nhà.

Nhà của vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh và Võ Thúy Phượng là một căn nhà nhỏ nhìn ra bờ sông. Ở đó, trên khoảng sân nhỏ trước nhà, mỗi ngày, ông bà thường rải một ít cơm trắng cho đàn chim sẻ. 

Ông vì nhớ những đồng đội ngày xưa mà quyết tâm liên lạc, vận động kinh phí xây dựng khu tưởng niệm Tiểu đoàn 261 ở Thạnh Hóa, như một cách tri ân những đồng chí đã ngã xuống vì độc lập hôm nay (Trong ảnh: Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh trồng cây trong Lễ khánh thành Khu di tích Tiểu đoàn 261)

Những nhà văn viết về chiến tranh

Gặp và yêu nhau trong chiến tranh, ông bà dành cả thanh xuân cho đất nước. Giữa những vất vả, hiểm nguy của chiến trường, tình yêu vẫn đơm hoa kết trái. Ngày hòa bình, ông bế trên tay đứa con tròn 2 tuổi cùng đồng đội trở về quê trước. Bà ẵm đứa trẻ mới sinh theo đơn vị về sau. Cả 2 vợ chồng ngoài tình yêu và một mái ấm gia đình, còn mang theo trên mình những vết thương do bom đạn để lại. Và giờ đây, khi trái gió trở trời, bà lại nghe sống lưng mình đau buốt.

Trong nhà ông bà, ngoài những bằng khen, giấy khen, hình ảnh về thời gian công tác sau khi đất nước thống nhất, còn có những bức ảnh trắng đen chụp tại chiến trường. Lúc đó, ông bà mới mười tám, đôi mươi, rời gia đình theo cách mạng. Bà kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày bom cày trên đất, con người đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết. Bà nói: “Ai từng trải qua chiến tranh mới thấy hết sự ác liệt và tàn khốc của nó”.

Ông bà trở về cuộc sống đời thường, mang theo những ký ức chiến tranh. Trở về từ chiến trường, đảm nhận những vị trí công việc khác nhau, ông bà tiếp tục phục vụ quê hương. Ngoài thời gian dành cho công việc, ông và bà còn dành thời gian để viết. Và cả 2 trở thành nhà văn viết về chiến tranh nổi tiếng ở Long An.

Ông bà là những nhà văn viết về chiến tranh nổi tiếng của Long An

Nhiều tác phẩm của ông bà đoạt các giải thưởng từ Trung ương đến khu vực. Đó đều là những tác phẩm lấy chất liệu từ chiến tranh. Đi qua cuộc chiến, bằng đôi mắt và trái tim nhạy cảm, ông bà chắt chiu yêu thương, tình người trong cuộc chiến để đưa vào tác phẩm của mình, để người đọc nhói lòng rồi bật khóc khi cảm nhận được sự gần gũi và chân thật từ tên đất, tên người đến tâm tư, tình cảm từng nhân vật. Đến với truyện ngắn của bà, người đọc lại hồi hộp, sau đó thở phào khi nút thắt được mở ra một cách nhẹ lòng. Là nữ nhà văn, bà có sự nhạy cảm riêng, cách chọn lựa đề tài và thể hiện cũng rất khác những tác phẩm của ông. Mỗi người một góc nhìn trong văn chương nhưng lại có một điểm chung trong cuộc sống, đó là sự yêu thương và quan tâm đến mái ấm gia đình. 

Và bình yên hôm nay

Sau những bộn bề cuộc sống, hơn nửa đời người gắn bó cùng nhau, trải qua nhiều vất vả, khó khăn, giờ đây, ông bà vui với sự thành đạt của con cháu và chăm chút, vun đắp tình yêu cho cuộc sống. Mỗi sáng, ông bà thức dậy với tiếng chim sẻ kêu vang ngoài đầu ngõ, chờ mấy hạt cơm 2 cụ để dành. Ông chăm những chậu hoa nở rực trước sân nhà, tưới mấy gốc cây ăn trái đang sai quả. Bà quét dọn rồi ngồi may quần áo tặng những người cần. Những chiếc áo quần may tay của bà theo con cháu, bạn bè đi nhiều nơi. Những đứa trẻ chưa chào đời đã nhận được món quà đầy ắp tình thương của bà. Mùa dịch Covid-19, bà còn may khẩu trang. Lương hưu chẳng nhiều nhưng bà vẫn dành một phần mua vải và kim chỉ, rồi tỉ mẩn may tặng những hoàn cảnh khó khăn. 

Có nhiều lúc, ông bà lại cùng nhau ngồi bên hiên nhà uống trà, nói chuyện về đồng đội ngày xưa, về những tác phẩm văn chương, về con cháu,... Bà kể rằng, sống cùng ông mấy mươi năm tất phải có lúc “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng là phụ nữ, bà chọn cách nhịn nhường. Còn ông, ông vẫn hay kể về những tháng ngày thập tử nhất sinh, bao nhiêu nhọc nhằn nặng oằn trên vai người vợ. Ông bà vừa kỷ niệm 50 năm ngày cưới, 50 năm cùng trải qua chiến tranh gian khổ, cùng chung tay vượt mọi khó khăn. 

Ngày nay, ông vì nhớ đồng đội ngày xưa mà quyết tâm liên lạc, vận động kinh phí xây dựng khu tưởng niệm Tiểu đoàn 261 ở Thạnh Hóa như một cách tri ân những đồng chí đã ngã xuống vì độc lập hôm nay. Ông bà hay mang tặng xóm giềng, bè bạn những món quà quê là cây trái trong vườn cùng những chiếc áo mới may dành cho trẻ em. 

Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa nay tuổi cao, sức yếu, trở về cuộc sống đời thường, hiền lành như đất, vui những tháng ngày bình yên bên con cháu./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết