Tiếng Việt | English

25/10/2021 - 12:15

'Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng'

Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, dư luận cả nước lại hướng về miền Trung khi những cơn mưa, bão đang hoành hành ở một số địa phương. Thời tiết hiện nay đang là cao điểm mùa mưa, bão kéo theo những nguy hiểm, thiệt hại do thiên tai gây ra cho sản xuất và đời sống của người dân. Cũng như dịch bệnh, mưa, bão luôn là mối quan tâm, lo lắng, bất an của nhiều người, cho dù diễn ra ở bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động thường xuyên đến nước ta, gây thiên tai, thiệt hại lên đời sống xã hội. Long An nằm trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Hậu quả của các đợt hạn, mặn xảy ra trong sản xuất và đời sống mấy mùa khô gần đây vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều nông dân. Nông dân bây giờ không còn sợ lũ mà rất lo ngại trước BĐKH bởi vì thiên tai tác động đến bất cứ mùa nào. Do vậy, cần chuẩn bị tâm lý, điều kiện để sống chung với BĐKH.

Hàng năm, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Long An luôn chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, các điều kiện cụ thể, cần thiết để phòng, chống thiên tai nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân. Mỗi địa phương đều có cách ứng phó phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nếu vùng Đồng Tháp Mười quan tâm lũ lụt thì miền hạ lo ngại triều cường, hạn, mặn xâm nhập; còn dông, lốc xoáy thì nơi nào cũng có thể trở thành nạn nhân,... Mặc dù có những giải pháp chủ động ứng phó nhưng không thể tránh được thiên tai mà chỉ giảm thiểu thiệt hại.

Điều đáng lo ngại trước BĐKH chính là tình trạng sạt lở, sụp lún đất đang xảy ra ở nhiều địa phương như Tân An, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Đức Huệ làm ảnh hưởng đến sự an toàn và đời sống nhân dân.

Muốn giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, cần sự chủ động và những giải pháp hết sức đồng bộ từ ý thức đến đầu tư kinh phí rất lớn. Trước tiên, công tác thông tin, tuyên truyền phải nâng cao được ý thức phòng, chống thiên tai của mỗi người dân, tổ chức, đơn vị, địa phương vì hậu quả thiên tai không miễn trừ bất cứ ai.

Mỗi hộ gia đình, mỗi người không chỉ chủ động phòng tránh mà phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí, cùng tham gia với cộng đồng vì đây không phải là câu chuyện của riêng ai. Có đoàn kết, liên kết, hợp tác tốt mới có thể phòng, chống thiên tai tốt hơn. Bảo vệ cộng đồng chính là tự bảo vệ gia đình và bản thân,...

Thiên tai sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống. Trước BĐKH, chính quyền, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch ứng phó thật kỹ, thật cụ thể, có diễn tập các tình huống, làm tốt công tác dự báo thời tiết, định hướng sản xuất phù hợp. Nông dân phải suy nghĩ thật kỹ trên luống cày của mình để xem nuôi, trồng cây, con gì cho phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, thị trường. Nông dân phải “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” bởi “Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng”...

Phòng, chống BĐKH cần nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện các giải pháp công trình như đê điều, kênh, cống, trạm bơm,... Điều này chỉ có Nhà nước mới đáp ứng được. Để chủ động, kịp thời phòng, chống thiên tai, các cấp, các ngành cần phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

Trong đó, phòng là chính, ý thức tự giác của người dân là cốt lõi, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích là hết sức quan trọng, công tác thông tin, tuyên truyền là trọng yếu. Phải xem phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân bởi “sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”./.

Tân An

Chia sẻ bài viết