Tiếng Việt | English

03/07/2015 - 08:20

Trông người lại ngẫm đến ta

Đã từ lâu, du lịch được nhìn nhận là ngành công nghiệp không khói. Nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nơi trong, ngoài tỉnh đã quan tâm, đầu tư, khai thác hợp lý tiềm năng du lịch phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giàu cho địa phương mình; đồng thời, quảng bá văn hóa dân tộc, địa phương đến bạn bè, du khách gần xa. Riêng tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm đã thu hút ước 410.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 106 tỉ đồng. Rõ ràng, du lịch đã mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội không nhỏ.

Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch, từ ngày 27-6 đến 3-7-2015, tại TP.Cần Thơ, Tuần lễ Du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động nhằm quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch;xúc tiến, mời gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch xanh,... Qua đây, còn tạo cơ sở, điều kiện cho liên kết vùng trong việc xúc tiến, khai thác từ du lịch.

Long An là tỉnh nằm ở cửa ngõ miền Đông và miền Tây Nam bộ, giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế, du lịch của cả nước nên có nhiều tiềm năng, lợi thế cho du lịch. Ngoài ra, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa trên 300 năm, điều kiện tự nhiên đa dạng, sản vật phong phú, độc đáo sẽ là điểm trung chuyển, điểm dừng chân, điểm đến của du khách TP.HCM, trong nước và quốc tế.

Nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư, bảo tồn nhiều công trình lịch sử, văn hóa, lễ hội dân gian để phục vụ du lịch. Đã có nhiều chương trình, dự án, kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh được đề xướng, thảo luận. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, kết quả, hiệu quả thu được từ khai thác du lịch chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế sẵn có. Rất nhiều công trình văn hóa, lịch sử, du lịch được xây dựng quy mô nhưng chưa được khai thác tốt, mà Khu du lịch Làng nổi Tân Lập là một minh chứng. Sản phẩm phục vụ du lịch chủ yếu là khai thác tự nhiên (trái cây, thức ăn,...) hầu như chưa để lại dấu ấn nơi du khách, thiếu sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của Long An.

Các khách sạn, nhà nghỉ đa phần giá “mềm”, chủ yếu tập trung ở TP.Tân An và không xa TP.HCM nên chưa thu hút được du khách. Tỉnh hoàn toàn không có khu nghỉ dưỡng nào. Tỉnh cũng thiếu nguồn nhân lực có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nhiều năm qua, du lịch trong tỉnh vẫn lòng vòng các điểm: Nhà trăm cột, chùa Tôn Thạnh, lăng Nguyễn Huỳnh Đức, vàm Nhựt Tảo,...Việc khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch xanh, du lịch sinh thái ở khu vực Đồng Tháp Mười, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh còn bỏ ngỏ,...

Qua Tuần lễ Du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015, hy vọng du lịch Long An sẽ được mở rộng ra, hướng tới liên kết vùng để tạo nên sức hút theo tinh thần liên kết “5 địa phương 1 điểm đến” (liên kết giữa Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An), đồng thời tạo nên bản sắc riêng.

Có như vậy sẽ xóa được tình trạng nhỏ lẻ, manh mún; đồng thời phát huy thế mạnh tương đối giống nhau của các tỉnh trong vùng. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có nguồn nhân lực chất lượng để xây dựng, bảo tồn, khai thác, phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh nhà.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết