Tiếng Việt | English

02/09/2019 - 17:02

Trường đạt chuẩn Quốc gia - Môi trường học tập thuận lợi cho học sinh

Xây dựng và giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) là nhiệm vụ và mục tiêu của tất cả trường học, nhằm tạo môi trường sư phạm dạy và học tốt nhất cho giáo viên (GV), học sinh (HS). Đặc biệt, học tập ở ngôi trường đạt CQG, HS được thực hành trong điều kiện thuận lợi, góp phần vận dụng những kiến thức được học vào thực tiễn.

Dãy phòng chức năng vừa được bàn giao cho Trường Tiểu học Hồ Văn Huê

Bảo đảm cơ sở vật chất

Bảo đảm cơ sở vật chất là một trong những điều kiện tiên quyết trong xây dựng trường đạt CQG. Để thực hiện nhiệm vụ này, từ tỉnh đến địa phương đều xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Nhờ vậy, các phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy dần được bổ sung cho các trường trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các trường sử dụng và khai thác triệt để hiệu quả cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đơn vị mình.

Trường Tiểu học Hồ Văn Huê (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là một trong những trường đạt CQG với cơ sở vật chất bảo đảm.

Trường có đủ các phòng học, phòng chức năng với hệ thống đèn, quạt, bàn ghế, bảng chống lóa và trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập của GV, HS theo môn học. Ngoài ra, trường có thư viện được công nhận Thư viện tiên tiến; có sân chơi, bãi tập rộng rãi, phục vụ nhu cầu chơi, học của HS. Đặc biệt, năm học 2019-2020, trường được bổ sung 11 phòng chức năng mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập các môn năng khiếu của HS. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Văn Huê - Trần Ngọc Quyền cho biết: “Trường được bổ sung phòng chức năng là niềm vui rất lớn của tập thể GV, HS, qua đó giúp việc dạy và học thuận lợi hơn; đồng thời là điều kiện để trường đăng ký công nhận lại trường đạt CQG vào năm nay”.

Bên cạnh được bổ sung cơ sở vật chất, trường cũng chủ động xây dựng mảng xanh, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, an toàn cho HS. Sân trường được tráng bêtông sạch sẽ, có mái che để tạo thêm bóng mát cho học sinh vui chơi và học thể dục.

Nâng cao chất lượng dạy học

Song song bảo đảm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục cũng là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của các trường trong xây dựng và giữ vững trường đạt CQG. Theo đó, các trường đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và phát huy tinh thần tự học, sáng tạo của HS, góp phần phát triển toàn diện cho HS.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Ninh A (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) - Đặng Thị Phượng cho biết: “Mỗi dịp hè, trường cử GV tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho GV đi học nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học; đồng thời, động viên, khuyến khích GV tự học, tự nghiên cứu để cập nhật những kiến thức mới, đặc biệt là những kiến thức xã hội. Với GV trẻ, trường thường xuyên tổ chức dự giờ nhằm đóng góp cho GV ngày càng tiến bộ hơn”.

Nhờ xây dựng đội ngũ GV năng động, vững chuyên môn, trường thuận lợi trong việc lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Tùy theo chủ đề, chủ điểm mỗi tháng, trường tập trung giáo dục một kỹ năng lớn cho các em. Trong đó, kỹ năng lễ giáo, ứng xử, tự phục vụ,... được giáo dục mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, GV còn thay đổi phương pháp giảng dạy. Đây cũng là giải pháp hiệu quả trong thay đổi thái độ học tập của HS, từ ít tập trung sang hứng thú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Theo đó, tùy nội dung bài học, GV lựa chọn phương pháp dạy phù hợp. GV có thể tổ chức cho HS học nhóm, chơi trò chơi, học với máy chiếu, bảng tương tác,...

Cô Nguyễn Thị Lâm - GV môn Địa lý Trường THCS Thủy Tây (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa), chia sẻ: “GV muốn dạy giỏi phải nắm bắt tâm lý của HS; thay đổi phương pháp dạy hiệu quả, khơi gợi sự hứng thú học tập của các em. Với môn Địa lý, tôi thường xuyên sử dụng tranh ảnh, video clip trong quá trình dạy để tiết học thêm sinh động và bám sát thực tế. Nhờ vậy, HS dễ hiểu bài, khắc sâu kiến thức và không “ngán” môn Địa lý”.

Ngăn dòng bỏ học

Ngoài thực hiện tốt các công tác trên, ngăn dòng bỏ học, giảm học sinh lưu ban cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và tiêu chí khó trong xây dựng trường đạt CQG, đặc biệt là trường cấp 2, cấp 3.

Trường học được bổ sung cơ sở vật chất mới, khang trang

Trường học được bổ sung cơ sở vật chất mới, khang trang

Từ đầu năm học, các trường thực hiện tuyển sinh đầu cấp; đồng thời, thông tin rõ, cụ thể và vận động HS lớp lá, lớp 1 đến trường. Đầu năm học, GV chủ nhiệm rà soát HS vắng, chưa ra lớp và kết hợp nhà trường, địa phương vận động các em nếu liên lạc lần 1, lần 2 không hiệu quả. Ngoài ra, GV chủ nhiệm tất cả khối lớp tìm hiểu hoàn cảnh, học lực của từng HS để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhằm góp phần ngăn dòng bỏ học từ đầu năm học.

Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Tây - Phạm Thị Thanh Trúc cho biết: “Với những HS bỏ học, trường phối hợp địa phương thành lập đoàn đến nhà động viên gia đình cho em trở lại lớp. Có những gia đình phải vận động nhiều lần, giải thích về lợi ích của việc học và định hướng tương lai cho các em. Ngoài ra, trường còn chủ động ngăn chặn những nhen nhóm ý định bỏ học của các em. Theo đó, trường thường xuyên nêu các gương vượt khó học tập tốt tại địa phương. Bên cạnh đó, trường còn phụ đạo HS yếu để các em lấy lại kiến thức cơ bản, không nản lòng trong học tập”.

Cơ sở vật chất bảo đảm, chất lượng giáo dục được quan tâm, trường đạt CQG thật sự là môi trường học tập thuận lợi của HS./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết