Tiếng Việt | English

27/09/2017 - 11:41

Trường Trung cấp nghề Đức Hòa: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động

Thời gian qua, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa, tỉnh Long An góp phần rất lớn trong việc cung cấp lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và phát triển KT-XH địa phương.

Đào tạo lao động chất lượng

Đức Hòa hiện có 10 khu, 10 cụm công nghiệp nên nhu cầu lao động có tay nghề là rất lớn. Vì vậy, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa nỗ lực đào tạo nguồn lao động chất lượng, gắn với nhu cầu thị trường lao động. Hiện tại, trường đào tạo 12 nghề trình độ trung cấp và 20 nghề lao động nông thôn, trong đó các nghề: Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Chế tạo thiết bị cơ khí, May công nghiệp,... là những nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Tiết thực hành của học viên

Trong quá trình đào tạo, ngoài giúp học viên (HV) nắm vững lý thuyết, trường còn chú trọng thực hành, rèn luyện tay nghề cho các em. Sau mỗi tiết học lý thuyết, HV được vận dụng kiến thức để thực hành ngay. Giáo viên theo sát, hướng dẫn, bảo đảm mỗi HV có thể tự thực hành. Ngoài ra, trường còn tạo điều kiện thuận lợi cho HV thực hành tại các doanh nghiệp để có cơ hội tiếp cận máy móc hiện đại, nâng cao tay nghề và có thêm thu nhập.

Em Trần Hoàng Ân - HV năm 2, lớp Điện công nghiệp, chia sẻ: “Trên lớp, em chú ý lắng nghe giáo viên giảng lý thuyết và tự thực hành theo hướng dẫn. Từ nền tảng ban đầu, em học hỏi, trau dồi thêm và rèn luyện tay nghề để có thể trở thành thợ giỏi. Theo em, công nhân có tay nghề được thể hiện qua tinh thần trách nhiệm, chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc. Với những ưu điểm đó, người lao động có tay nghề dễ tìm công việc ổn định với mức lương cao hơn so với lao động phổ thông”.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng cho biết: Từ ngày thành lập
đến nay, trường đào tạo hơn 54.200 HV, trong đó, đào tạo trình độ trung cấp hơn 5.800 HV, đào tạo nghề ngắn hạn hơn 48.400 HV, đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn hơn 5.000 người. Ngoài ra, trường còn trường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ và phối hợp một số trường đại học đào tạo trình độ cử nhân nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng của huyện.

Bên cạnh đó, trường chú trọng đầu tư thiết bị phục vụ dạy và thực hành; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng quy mô tuyển sinh, ngành nghề đào tạo; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã, thị trấn mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là nhóm nghề phi nông nghiệp và nhóm nghề chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, góp phần chuyển dịch lao động, phát triển KT-XH địa phương và giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, nhằm cải thiện đời sống người dân.

Liên kết doanh nghiệp, giải quyết việc làm

Bên cạnh đào tạo nguồn lao động chất lượng, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa còn liên kết các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho HV thực tập, giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Trường liên kết hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gửi HV đến thực tập, tiếp cận trang thiết bị, máy móc hiện đại và rèn luyện tay nghề. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ trường xây dựng chương trình đào tạo. Từ những nhận xét, đánh giá, góp ý của các doanh nghiệp, chương trình đào tạo được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hơn, gắn với yêu cầu thực tế. Mỗi năm, trường tổ chức ngày hội việc làm cho HV tốt nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp phỏng vấn và tuyển dụng trực tiếp nên HV thuận lợi trong tìm việc, có thể so sánh điều kiện việc làm giữa các công ty và chọn việc làm phù hợp.

Học viên nắm chắc lý thuyết trước khi tham gia thực hành

Em Trần Quốc Vinh - HV lớp Sửa chữa máy may công nghiệp, chia sẻ: “Nhu cầu thị trường lao động hiện nay cần nhiều thợ sửa máy may nên em tin rằng, với sự nghiêm túc trong học tập, nỗ lực rèn luyện tay nghề, em sẽ có việc làm tốt và thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp thông qua ngày hội việc làm”.

Ông Lê Quốc Hùng cho biết thêm: “Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, góp phần thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa một số vấn đề: Duy trì công tác thông tin; tuyên truyền chính sách “miễn học phí” của Nhà nước đối với HV sau tốt nghiệp THCS sang học nghề; tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS sang học nghề; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã, thị trấn tiếp tục phát huy công tác dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của huyện và quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để trường được đầu tư bổ sung thiết bị phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”./.

Thùy Hương - Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết