Tiếng Việt | English

27/10/2015 - 14:36

Long An

Truyền thông - “Chìa khóa” thành công trong công tác DS-KHHGĐ

Thời gian qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn huyện Bến Lức đã đạt những hiệu quả tích cực. Một trong những yếu tố quan trọng để người dân thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số là nhờ công tác truyền thông.


Truyền thông là yếu tố quan trọng để người dân thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số

Để truyền thông đạt hiệu quả, yếu tố con người đóng vai trò chủ đạo. Trong đó, các cộng tác viên (CTV) dân số-gia đình và trẻ em chính là cánh tay đắc lực giúp Trung tâm DS-KHHGĐ huyện truyền tải thông tin cần thiết đến người dân tận trong các ấp, khu phố.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện - Nguyễn Thị Kiểu, hiện tại, địa bàn huyện có 14/15 xã, thị trấn có cán bộ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ là viên chức của trạm y tế. Mạng lưới CTV hiện có 326 người, mỗi CTV quản lý bình quân 110 hộ. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các CTV, hằng tháng, trung tâm đều tham dự họp giao ban tại các xã, thị trấn, đồng thời hướng dẫn các CTV rà soát, thu thập, cập nhật và báo cáo thông tin biến động tại địa bàn.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 33 CTV mới và các CTV còn hạn chế trong công tác. Nhờ đó, đội ngũ CTV luôn nhiệt tình, tâm huyết và được trang bị đầy đủ kiến thức để thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng nhanh chóng.

Chị Nguyễn Ngọc Chí Thanh (ấp 4, xã An Thạnh) cho biết: “Tôi đang mang thai được 6 tháng, do chỉ làm nội trợ ở nhà nên thông tin, kiến thức có phần hạn chế. Trước khi mang thai, tôi được các CTV tư vấn và siêu âm 4 chiều để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, tôi cũng được xét nghiệm HIV miễn phí nên rất an tâm về sức khỏe của con sau này”.

Trong 9 tháng qua, từ huyện đến xã đã tổ chức viết trên 200 tin, bài; phát thanh tuyên truyền trên hệ thống đài trên 700 lượt; cấp phát trên 8.700 tờ rơi, tờ bướm; treo băng rôn tuyên truyền, đồng thời tổ chức trên 670 cuộc họp nhóm (với trên 6.500 đối tượng tham dự); gần 300 cuộc nói chuyện chuyên đề (trên 7.900 người tham dự) và 16.300 lượt vãng gia. Đến nay, nhờ chú trọng công tác truyền thông mà nhiệm vụ chuyên môn được bảo đảm, thông tin, tuyên truyền đến người dân kịp thời, chính xác.

Đặc biệt, Bến Lức còn duy trì hoạt động 2 câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân (tại thị trấn Bến Lức và xã Mỹ Yên) với 18 cuộc sinh hoạt, thu hút được 480 thanh niên tham dự. Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên được triển khai tại 3 trường THPT trên địa bàn huyện. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp các trường THCS, THPT tổ chức nói chuyện chuyên đề nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống và khả năng giải quyết tình huống, chú trọng sinh hoạt đồng đẳng trong nhà trường. Các xã, thị trấn phối hợp Đoàn Thanh niên tổ chức 49 cuộc nói chuyện chuyên đề tại các khu dân cư với trên 2.250 người tham dự,...

Có thể nói, truyền thông chính là cầu nối quan trọng để truyền tải những thông tin cần thiết cho người dân nâng cao nhận thức, thái độ; qua đó, tích cực hưởng ứng các chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ. Với sự nỗ lực từ cấp huyện đến cơ sở, người dân, đặc biệt là các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác, qua đó, hiểu rõ quyền lợi của mình và đồng lòng hưởng ứng./.

Ngọc Mận - Phạm Ngân
 

Chia sẻ bài viết