Tiếng Việt | English

30/04/2021 - 06:00

Truyền thống - mạch nguồn của tương lai

Chiến thắng ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Đại thắng đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đất nước hòa bình, thống nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau 46 năm thống nhất đất nước, 35 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh,… Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng đúc kết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Nhìn lại chiến thắng oanh liệt của dân tộc và thành quả cách mạng trong 46 năm qua, chúng ta tự hào về truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất và sự hy sinh của cả dân tộc để cho đất nước được trường tồn, phát triển.

Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, Nhân dân Long An đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, một lòng theo Đảng làm cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, quân và dân Long An viết nên truyền thống 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Lịch sử 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ của tỉnh đã ghi nhận biết bao địa danh, chiến tích lẫy lừng: Hiệp Hòa, Đức Lập, Cù Tròn, Vành đai  Rạch Kiến,...

Đất nước hòa bình, phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường”, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Long An đã bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam; đồng thời, tiến công khai phá vùng đất Đồng Tháp Mười thành vựa lúa lớn. Tinh thần “Toàn dân đánh giặc” tiếp tục được huy động trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới, phát triển kinh tế. 

Với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta mạnh dạn chuyển đổi tư duy, đổi mới phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ nối liền miền Đông với miền Tây Nam bộ. Tỉnh đã tập trung phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ liên kết vùng, kết nối với TP.HCM và cả nước. Không chỉ thu hút mạnh mẽ đầu tư, tỉnh còn chủ trương phát triển khu kinh tế công nghệ cao, kinh tế số, bảo vệ môi trường. Từ một địa phương sát sào huyệt của chính quyền Sài Gòn, hệ thống đồn bót chằng chịt, đến nay, Long An quy hoạch 35 khu công nghiệp, 62 cụm công nghiệp, đi vào hoạt động 16 khu, 22 cụm công nghiệp; trên 13.000 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, 1.111 dự án FDI. Vị thế, uy tín của tỉnh không ngừng tăng trên bản đồ kinh tế cả nước. Năm 2018 và 2020, Long An giữ vị trí thứ 3 bảng xếp hạng PCI cả nước. Nhiều vùng chiến khu xưa, vùng sâu, biên giới nay là vùng nông thôn mới, diện mạo quê hương và đời sống người dân thay đổi rõ rệt, trở thành nơi đáng sống.

“Cây độc lập, quả thanh bình” ngày nay được vun trồng từ xương máu, công sức của biết bao anh hùng liệt sĩ, thương binh và sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ sự dày công của cha anh, thế hệ hôm nay và mai sau luôn tri ân, có trách nhiệm với những người có công với đất nước; đồng thời, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng tỉnh Long An giữ vững vị trí đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và bứt phá, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2030./.

Long An

Chia sẻ bài viết