Tiếng Việt | English

01/01/2021 - 07:28

Từ 01/01/2021, điều trị nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh được BHYT chi trả như đúng tuyến

Từ 01/01/2021, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng như đi KCB đúng tuyến.

Bệnh viện tuyến tỉnh phải luôn có sự thay đổi, đầu tư về con người, trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An – Bùi Quang Triết cho biết, theo quy định của khoản 6 Điều 22 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) số 25/2008/QH12 (sau đây gọi là Luật BHYT), từ ngày 01/01/2021, người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng như đi KCB đúng tuyến.

Cần lưu ý rằng người tham gia BHYT tự đi KCB tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh theo khoản 6 Điều 22 Luật BHYT là trường hợp đi KCB không đúng tuyến nhưng được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB nội trú theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến, không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT. Đồng thời phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Do đó, để bảo đảm người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, vẫn khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định.

Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến và được chỉ định điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trước ngày 01/01/2021, ra viện từ ngày 01/01/2021 trở đi, có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ: Các chi phí KCB BHYT phát sinh từ ngày 01/01/2021 được quỹ BHYT chi trả theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT.

Từ 01/01/2021, bệnh nhân khám, chữa bệnh nội trú trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh được bảo hiểm y tế chi trả như khám, chữa bệnh đúng tuyến

Được biết, quy định này không áp dụng với các bệnh viện Trung ương đóng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ,…(điển hình như tại TP.HCM thì có một số bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 175, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẽ không áp dụng quy định này).

Trước đó, ngày 21/12/2020, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 25/CT-BYT về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cơ sở KCB, cơ quan BHXH chủ động, tăng cường phối hợp trong quản lý, tổ chức KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, nâng cao trách nhiệm của cơ sở KCB, cơ quan BHXH và người tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả khi triển khai thực hiện quy định tại khoản 6, Điều 22 Luật BHYT.

Trong đó, chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ KCB, xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện tối thiểu 80% các mã bệnh phổ biến mà bệnh viện đang KCB, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết. Chỉ đạo sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở KCB.

Các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong KCB, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT và giảm thiểu tình trạng người bênh tự đi KCB tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương,…

Như vậy, quy định này phải đi cùng với việc tăng cường chất lượng KCB, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An – Mai Văn Dũng cho biết: “Khi quy định này có hiệu lực, bệnh nhân sẽ được hưởng những điều kiện điều trị tốt hơn. Thực tế, Bệnh viện Đa khoa Long An đã triển khai và áp dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại vào KCB để phục vụ bệnh nhân (như CT Scanner, nội soi khớp gối, thay khớp gối, thay khớp háng, phẫu thuật tái tạo dây chằng, đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn, nội soi phế quản, lọc máu liên tục,…) với chi phí hợp lý.

Đối với bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa Long An, đây là thách thức và cũng là cơ hội vì chúng tôi phải luôn có sự thay đổi, đầu tư về con người, về quy trình, kỹ thuật, nâng cao chất lượng phục vụ. Với điều trị nội trú, bệnh viện sẽ nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nằm ghép, giúp bệnh nhân được hưởng những dịch vụ chất lượng, củng cố, nâng cao uy tín của bệnh viện để thu hút người dân ở lại địa phương điều trị”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (62 tuổi, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước) cho biết: “Tôi bị bệnh tim, suy thận, năm nay đã phải điều trị nội trú 2 lần, biết tin người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến tại tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị nội trú như KCB đúng tuyến, tôi rất phấn khởi. Bệnh nhân sẽ được lựa chọn cơ sở KCB chất lượng, thuận tiện đi lại, đúng nhu cầu. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng phải được đầu tư, nâng cao chất lượng để thu hút bệnh nhân. Với quy định này, người bệnh được hưởng quyền lợi rất lớn”.

Mức hưởng BHYT đối với người tham gia BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh được chỉ định vào viện điều trị nội trú trước ngày 01/01/2021 và ra viện từ ngày 01/01/2021 thực hiện theo đúng quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, cụ thể:

Mức hưởng BHYT là 60% chi phí điều trị nội trú tính từ ngày được chỉ định vào điều trị nội trú đến hết ngày 31/12/2020 trong phạm vi cả nước;

Mức hưởng BHYT là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết