Tiếng Việt | English

02/06/2016 - 08:59

Từ câu chuyện đau lòng ở một phiên tòa, nghĩ về việc chăm sóc trẻ em

…Ông bà ta có câu: "Hùm dữ không nỡ ăn thịt con". Biết rằng, bị cáo không cố ý tước đoạt mạng sống của con mình nhưng chính hành vi bạo lực gia đình, thái độ thờ ơ, lạnh lùng của bị báo và tác hại của việc sử dụng nhiều rượu bia khiến bị cáo trở thành người phạm tội. Hành vi của bị cáo thật đáng lên án”.

Bản luận tội của vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án bị cáo Phạm Văn Xuyên (SN 1958, ngụ ấp 3, xã Phước Tuy) bị Tòa án nhân dân huyện Cần Đước truy tố về tội cố ý gây tổn hại sức khỏe người khác, cụ thể là hành hạ, trói đánh con trai mới 12 tuổi của mình vì nghi ngờ con trộm cắp, nói dối dẫn đến cái chết thương tâm.

Cả gia đình bị cáo Phạm Văn Xuyên có mặt trong phiên tòa sơ thẩm - Tòa án nhân dân huyện Cần Đước

Bản luận tội của vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên tòa làm cho tất cả những người dự khán đều không cầm được nước mắt và đau đớn hơn trong phiên tòa hôm ấy, tất cả bị cáo, bị hại và những người liên quan đến làm chứng trước tòa đều là thành viên của một gia đình. Đứng trước vành móng ngựa là người cha giết chết con mình và ngồi ở ghế đại diện cho người bị hại lại chính là vợ và 2 con trai của bị cáo.

Nhìn hình ảnh cả gia đình đưa nhau ra tòa không ai cầm được nước mắt - một hình ảnh vừa đáng thương và cũng thật đáng trách. Người ta thương vì chứng kiến hình ảnh các thành viên trong gia đình đều gầy gò, khắc khổ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc và cả sự thiếu hiểu biết của người cha trong việc giáo dục con cái theo kiểu thương cho roi, cho vọt dẫn đến hậu quả khôn lường. Chúng ta giận vì người cha lại nỡ xuống tay giết chết con mình cho dù là không cố ý.

Tất nhiên, hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng điều mà mọi người quan tâm là gia đình ấy rồi sẽ ra sao khi 3 thành viên còn lại đều ốm yếu, gầy còm, phải làm thuê, làm mướn bấp bênh giờ lại thêm nỗi đau ly tán. Và điều chúng tôi muốn nói đến nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay, đó chính là việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, để chúng được hưởng niềm vui, hạnh phúc tuổi thơ trọn vẹn và được nuôi dạy, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất,... đó không chỉ là khẩu hiệu hành động của xã hội đối với tương lai của các em mà thực tế tất cả mọi gia đình, cả xã hội đều quan tâm, chăm lo để cho các em có được cuộc sống thật vui vẻ, hạnh phúc. Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em được Đảng - Nhà nước, các cấp chính quyền, xã hội quan tâm, qua đó đạt những kết quả quan trọng, giúp cho trẻ em ngày càng phát triển tốt hơn về thể lực, trí lực.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng trẻ em làm trái pháp luật, trẻ em bị đánh đập, hành hạ dã man, ở đâu đó vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo đánh học sinh phải nhập viện, nhiều trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo tử vong vì hành vi ngược đãi, thiếu trách nhiệm của người lớn. Tất cả những điều đó làm chúng ta quan tâm, suy nghĩ. Có phải luật pháp và trong cách suy nghĩ của một số người dẫn còn những khoảng trống để cho kẻ ác và những hành vi vô trách nhiệm làm tổn thương các em.

Điều chúng tôi muốn gửi gắm qua bài viết này chính là tình yêu thương đối với trẻ em từ phía gia đình. Mỗi gia đình có những điều kiện, sự quan tâm chăm sóc, giáo dục con trẻ khác nhau, nhưng tình yêu thương cha mẹ dành cho con trẻ sẽ gắn kết mọi gia đình. Ngoài những chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm hỗ trợ của toàn xã hội trong việc chăm lo, giáo dục trẻ em, các bậc cha mẹ cũng cần xem lại cách dạy dỗ con cái của mình, không thể nuông chiều quá đáng, cũng không phải là “Thương cho roi, cho vọt; Ghét cho ngọt, cho bùi”.

Để làm được điều đó, các ông bố, bà mẹ trẻ cần phải trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đừng vì những toan tính, buồn vui trong cuộc sống mà trút hết lên đầu con trẻ và đừng vì sự nông nổi, thiếu hiểu biết dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm tan nát cả một gia đình. Xin hãy nhớ: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em!./.

Kim Khánh

Chia sẻ bài viết