Tiếng Việt | English

18/12/2019 - 09:41

Tự hào những thiếu sinh quân Kiến Tường

Tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, Ban liên lạc Cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân tỉnh Kiến Tường có buổi họp mặt với gần 180 thầy cô giáo, học sinh, những cán bộ quản lý qua các giai đoạn của trường.

Quang cảnh buổi họp mặt

Quang cảnh buổi họp mặt 

Thầy Khổng Thanh Tòng, nguyên Trưởng Tiểu Ban giáo dục Kiến Tường, nhớ lại: Năm 1965 Đồng Tử quân là lớp học đầu tiên của nhà trường được hình thành ở vùng Bình Phong Thạnh, Bình Hòa, rồi đến năm 1967 mới dời về vùng Tà Nu (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng), qua mấy lần thay tên gọi, bây giờ những cựu học sinh ở trường mới thống nhất một tên gọi chung: Trường Thiếu sinh quân tỉnh Kiến Tường.

Từ khi được thành lập, cứ 2 năm một lần, Hội Cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Kiến Tường tổ chức họp mặt và đây là lần thứ 3 thầy trò, cùng những cán bộ quản lý, đơn vị có liên quan thời ấy được gặp mặt nhau khá đông đủ. Cô Nguyễn Thị Lũy, sinh năm 1958, hiện ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Cứ được thông báo họp mặt là đi liền, tới gặp được mặt nhau, mừng lắm”. Rồi cô kể: "Năm 1970 cha tôi hy sinh, đến năm 1972 tôi được đưa vào trường này để học. 14 tuổi rồi có học gì đâu mà biết chữ. Vào học được 2 năm, đến hết lớp 5 tôi đi làm dân công ở huyện Tân Thạnh cho đến ngày đất nước hòa bình. Những ngày ở trường cũng gian khổ lắm. Tụi tôi đóng bàn bằng vạt tre để học, ngồi dưới đất kê tập lên vạt tre đó mà viết; rồi cũng phải đi cõng gạo về mà ăn, đi cũng xa lắm. Cực nhưng mà vui!”.

Còn ông Huỳnh Công Luận (thị xã Kiến Tường) hân hoan: "Năm 1972, tôi vào trường, mới 12 tuổi thôi, học xong là xung phong ra chiến trường liền. Điều mà những học sinh của trường này tự hào đó là tất cả chúng tôi dù nam hay nữ khi học xong là đều ra chiến trường chiến đấu kiên cường". Theo bà Huỳnh Thị Bé Hồng, cựu giáo viên nhà trường, thời đó tham gia giảng dạy rất gian khổ nhưng nhà trường đã đào tạo nên những cán bộ, chiến sĩ cách mạng kiên trung, có lý tưởng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cách mạng cần. Sau này để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công năm 1975, giáo viên cũng ra chiến trường. 

Vui mừng ngày họp mặt

Vui mừng ngày họp mặt

Vui mừng ngày họp mặt

Thầy trò lại gặp nhau ngoài mặt trận, mừng biết bao. Ở trường giáo viên “chia” chữ cho các em nhưng lúc ra chiến trường các em lại chỉ giáo viên cách bắn, cách tránh bom đạn.

Từ năm 1965 - lúc mới thành lập - cho đến những lớp học sinh cuối của năm 1975 trường có khoảng 210 người, trong đó có trên dưới 30 người đã hy sinh trên các chiến trường. Hiện nay, còn 175 cựu thiếu sinh quân và 14 cựu giáo viên. Trong lần họp mặt này, thầy Lê Doãn Cự đề xuất các ngành có liên quan cần xem xét tặng thưởng Huân chương cho nhà trường vì những đóng góp to lớn của trường trong việc góp phần đào tạo một lực lượng cán bộ kiên trung cho tỉnh nhà thời gian qua./.

Phú Nhuận

Chia sẻ bài viết