Tiếng Việt | English

30/04/2020 - 16:51

Tự hào trên quê hương đổi mới

Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt tay ngay vào công cuộc ổn định chính trị, xây dựng và phát triển KT-XH. Nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Bà Trần Thị Sen (87 tuổi) - cán bộ hưu trí, ngụ thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ

Nếu như trong kháng chiến, huyện Tân Trụ được biết đến là một mảnh đất anh hùng với những chiến công oanh liệt thì 45 năm sau ngày giải phóng là vùng đất đang “trỗi dậy” với những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế và xã hội.

Sau giải phóng, kết cấu hạ tầng ở huyện hầu như không có gì, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Song, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Trụ đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khắc phục khó khăn, phấn đấu đi lên. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa,… được đầu tư xây dựng. Những năm gần đây, khi chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận của nhân dân, kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất được đầu tư đã tạo bước đột phá về kinh tế cho huyện.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đoàn thể trong huyện quan tâm xây nhà tình nghĩa, tình thương tri ân gia đình chính sách, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, neo đơn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc.

Giờ đây, hầu hết người dân trong huyện đều “cơm no, áo ấm”. Những cháu nhỏ được cắp sách đến trường, người dân chí thú làm ăn, nuôi con học hành đến nơi đến chốn và xây dựng nhà cửa khang trang. Được tận mắt chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” từng ngày của quê hương Tân Trụ, không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân nơi đây đều rất vui mừng và phấn khởi.

Thầy Nguyễn Trọng Hoàng (58 tuổi) - Tổ trưởng chuyên môn bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Rạch Kiến, huyện Cần Đước

Sau 45 năm giải phóng, ngành giáo dục có nhiều thay đổi. Theo tôi, những thay đổi này là cần thiết và đúng đắn theo xu thế chung của thời đại.

Từ khi đất nước giải phóng và bước vào giai đoạn đổi mới, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, công tác giáo dục vì vậy cũng được quan tâm hơn. Đội ngũ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về nhiều mặt, tiếp cận với các lý thuyết sư phạm, tư tưởng giáo dục và kỹ thuật dạy học tiên tiến,... Đồng thời, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đã góp phần giúp đội ngũ giáo viên ổn định được đời sống, có điều kiện tập trung công tác chuyên môn nhiều hơn.

So với trước đây, cơ sở vật chất của các trường học được quan tâm đầu tư. Những ngôi trường khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy, học ngày càng nhiều. Cùng với đó, sự phát triển của khoa học - công nghệ đã đem lại nhiều đổi thay, nhiều cơ hội và cả sự thách thức cho nhà giáo, học sinh và cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục.

Bây giờ, học sinh được học với nhiều trang thiết bị hiện đại và chất lượng; được giáo dục bằng những phương pháp giảng dạy mới, tân tiến, hiệu quả và đặc biệt là thụ hưởng một nền giáo dục hướng đến phát hiện, phát huy và phát triển năng lực người học nên chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Ngoài ra, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và sự đồng hành, hỗ trợ của các lực lượng ngoài ngành giáo dục nên việc dạy và học tiếp tục phát triển và ngày càng toàn diện hơn qua từng năm học.

Ông Nguyễn Văn Cư (55 tuổi), ngụ ấp 5, xã Bình Đức, huyện Bến Lức

Nếu lúc trước, người dân vùng sâu của xã phải ì ạch bơi xuồng để đi lại và vận chuyển hàng hóa thì giờ đây đã có thể di chuyển bằng xe máy, thậm chí xe ôtô đến tận nhà. Tất cả là nhờ sự quan tâm của Đảng và các cấp chính quyền trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông trong xã. Đặc biệt, từ khi thực hiện chủ trương về xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới, các tuyến đường liên xã, liên xóm, ấp được nhựa hóa, bêtông hóa. Ngay cả những tuyến đê ven sông cũng được cứng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân.

Bên cạnh đó, hiện nay, nông dân trong xã đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng và năng suất nông sản đạt cao hơn trước. Việc hình thành vùng chuyên canh cây chanh kết hợp liên kết chuỗi sản xuất đã góp phần tăng lợi nhuận đáng kể cho nông dân. Song song đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp liên tiếp mọc lên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ngoài ra, nhiều hoạt động mua bán, dịch vụ cũng phát triển. Từ đó, những ngôi nhà khang trang, kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều, thay thế dần những mái lá lụp xụp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng nâng lên rõ rệt.

Những thành quả ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và sự chung tay của toàn dân trong tỉnh. Bất kỳ người dân Long An nào cũng sẽ tự hào và hạnh phúc trước những đổi thay của quê hương, từ đó tiếp tục đồng lòng, góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết