Tiếng Việt | English

17/01/2022 - 11:19

Từng bước gỡ khó trong việc tiêu thụ thanh long

Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tỉnh Long An có khoảng 30.000 tấn thanh long chưa tìm được thị trường tiêu thụ. Trước tình hình này, các cấp, các ngành đang nỗ lực từng bước gỡ khó cho việc tiêu thụ thanh long.

Các công ty, doanh nghiệp tham quan, khảo sát kho thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành

Khó khăn chồng chất khó khăn

Những ngày qua, Long An nói riêng, cả nước nói chung đang lao đao vì tình trạng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, không xuất khẩu sang được thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long. Điều này làm cho nhiều công ty (Cty) phải cho xe container quay đầu “bán đổ bán tháo” với mong muốn lấy lại một phần chi phí xăng, dầu; đồng thời, các cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh cũng tạm ngưng hoạt động, không thu mua thanh long của nhà vườn.

Trước tình hình không thể xuất khẩu, tỉnh kêu gọi các Cty, doanh nghiệp chuyển sang tiêu thụ nội địa nhưng việc tiêu thụ thanh long nội địa rất chậm. Thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM, sức tiêu thụ thanh long tại hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích,... trên địa bàn TP.HCM rất chậm, trung bình mỗi đơn vị tiêu thụ khoảng vài chục kilôgam thanh long/ngày. Còn tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), trung bình tiêu thụ thanh long khoảng 30 - 40 tấn/ngày. Khách hàng mua thanh long chủ yếu về chưng, cúng trong gia đình. 

Tại Cty TNHH Hoàng Phát Fruit (huyện Châu Thành), sản lượng xuất khẩu đối với mặt hàng thanh long (ruột đỏ, ruột trắng) khoảng 10.000 tấn/năm, xoài khoảng 3.00-4.000 tấn/năm, ngoài ra còn có mía và dừa, thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand,... Mặc dù xuất khẩu bằng đường biển, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhưng Cty cũng gặp khó khăn nhất định do giá vận tải đường biển tăng cao.

Giám đốc Kinh doanh Cty TNHH Hoàng Phát Fruit - Nguyễn Nam Phương Thảo thông tin: “Trước đây, chi phí vận chuyển thấp nhưng do tình trạng thiếu vỏ container và ứ đọng hàng nên vỏ container rất khan hiếm, đội chi phí lên gấp 4 lần. Hy vọng Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc có thể điện đàm với nhau và thông quan hàng ứ đọng bên cửa khẩu để giảm bớt áp lực xuất khẩu bằng đường biển”.

Cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng

Thời gian qua, vấn đề “giải cứu” nông sản vẫn xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc; nông dân chưa chú trọng sản xuất sạch, an toàn để hướng đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu,...; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - Nhà nước và doanh nghiệp,... Do đó, khi Trung Quốc tạm thời ngưng nhập khẩu các mặt hàng nông sản thì Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình ùn ứ nông sản, trong đó có thanh long, Sở Công Thương phối hợp Sở Công Thương TP.HCM tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm chế biến của tỉnh Long An với thị trường TP.HCM. Tham gia hội nghị có nhiều Cty, doanh nghiệp nhà phân phối lớn ở TP.HCM đóng góp ý kiến để việc tiêu thụ thanh long được dễ dàng hơn; đồng thời, cam kết sẽ hỗ trợ Long An giải cứu thanh long trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đây chính là tín hiệu đáng mừng cho nông dân trồng thanh long.

Theo Tiến sĩ Hoàng Mai Hoa - Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số, Cty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ TP.HCM, Cty đang tìm nguồn thanh long chất lượng để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Sau khi tham gia Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm chế biến của tỉnh Long An với thị trường TP.HCM, Cty sẽ chủ động liên hệ trực tiếp các Cty, doanh nghiệp Long An để nhập thanh long chất lượng về bán trên các hệ thống”.

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “Việc tăng sản lượng tiêu thụ thanh long nội địa đòi hỏi phải có thời gian nhưng Long An hy vọng các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục nỗ lực hỗ trợ địa phương “giải cứu” thanh long trong thời gian Tết Nguyên đán sắp tới, góp phần giảm gánh nặng cho nông dân. Thời gian tới, tỉnh sẽ có định hướng để sản xuất ra những nông sản chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu của TP.HCM. Cụ thể, các sản phẩm khi sản xuất ra phải có quy trình, nguồn gốc rõ ràng, nhất là nâng cao trách nhiệm của người sản xuất”.

Có thể thấy, tỉnh đang nỗ lực từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ thanh long. Tuy nhiên, để chủ động được thị trường tiêu thụ thanh long, cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng, với phương châm người Việt dùng hàng Việt./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết