Tiếng Việt | English

07/04/2021 - 16:53

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác dự báo hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 07/4, Hội thảo về xâm nhập mặn và ứng dụng phần mềm dự báo xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Trường Đại học Thủy lợi phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) và tỉnh Bến Tre tổ chức.

Đại diện lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và các chuyên gia đầu ngành tham dự.

Đại diện Trường Đại học Thủy lợi giới thiệu phần mềm dự báo

Tình hình hạn, mặn khó dự đoán gây ra bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tình hình sản xuất của người dân và nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL. Chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019 - 2020 đã có tới 10/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, hơn 80.000 cây ăn quả bị ảnh hưởng; gần 60.000ha lúa bị thiệt hại. Thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất đã trở thành mối đe dọa thường xuyên đến phát triển KT - XH của nhiều tỉnh, thành, không còn là chu kỳ vài năm mới xảy ra một đợt.

Nhận thức rõ tình hình thực tế về biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL sẽ còn nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm tới với tần suất thường xuyên hơn, mức độ nghiêm trọng và khốc liệt hơn, Trường Đại học Thủy lợi phối hợp DNP Water chủ động áp dụng khoa học - công nghệ, tự động hóa, phát triển phần mềm dự báo mức độ xâm nhập mặn trên sông Mê Kông.

Theo đó, chỉ với những thao tác đơn giản, click vào đường link http://waterdata.vn/mekong/mrss  hoặc tải app MRSS (Mekong MRSS) trên Google Play nền tảng Android, chạm vào một địa điểm bất kỳ tại khu vực ĐBSCL, ngay lập tức các thông số chi tiết về độ mặn, mực nước theo thời gian sẽ được hiển thị chi tiết. Phần mềm không chỉ thuận tiện cho các nhà quản lý, vận hành, các cơ quan dự báo khí tượng mà bất kỳ người dân nào có nhu cầu đều có thể sử dụng để cập nhật nhanh chóng về tình hình hạn, mặn.

Để bảo đảm tính chính xác, phần mềm đã thu thập chuỗi thông tin, số liệu về mực nước, độ mặn thực đo từ năm 2016 đến năm 2020 tại gần 20 trạm khí tượng và kết hợp cùng các số liệu đo thực tế tại một số nhà máy nước Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) và nhà máy nước Nhị Thành (Long An) để làm cơ sở tham khảo và phân tích dữ liệu. 

Phần mềm đã khắc phục được nhiều hạn chế của các bản tin dự báo trước đây về độ phân giải theo không gian và thời gian. Thay vì chỉ cho kết quả tại một số vị trí trọng yếu và chỉ cho giá trị lớn nhất theo tuần, với phần mềm này có thể dự báo chi tiết về mức nước, độ mặn từng giờ tại bất cứ khu vực nào tại ĐBSCL trong khoảng thời gian lên đến 30 ngày.

Phần mềm dự báo hạn, mặn được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực, không chỉ đưa ra dự báo về một khu vực mà còn là cái nhìn toàn thể về vùng ĐBSCL, từ đó hỗ trợ các sở, ban, ngành địa phương sớm có phương án đối phó, hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, sản xuất. Đặc biệt, phần mềm được tối ưu hóa đơn giản cho người dùng thông qua các hình ảnh và biến động trực quan nhằm phổ biến đến mọi đối tượng sử dụng, không chỉ bó hẹp trong các đơn vị nghiên cứu hoặc các cơ quan quản lý mà hướng đến để mỗi người dân, mỗi gia đình đều có thể theo dõi và chủ động trước các diễn biến của hạn, mặn tại địa phương.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham gia ý kiến, nêu thực tế tại địa phương và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hạn, mặn, nhất là trong diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu hiện nay./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích