Tiếng Việt | English

09/12/2020 - 08:18

Ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Tại kỳ họp lần thứ 24, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều đại biểu kiến nghị tỉnh cần có những giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Theo đó, thời gian qua, tỉnh thường xuyên mở những lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo sản xuất, lịch gieo sạ lúa đồng loạt, né rầy, theo dõi tiến độ sản xuất, giúp nông dân thực hiện đạt hiệu quả cao.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo điều kiện đưa nông sản vào những thị trường “khó tính”. Trong đó, ứng dụng các công nghệ tiên tiến: Nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa,... giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường,... ƯDCNC còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đây được xem là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, sau hơn 4 năm ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp, Long An đã đầu tư hơn 19,8 tỉ đồng thực hiện trên “3 cây, 1 con”. Hiện, toàn tỉnh có trên 22.000ha lúa ƯDCNC, trong đó 11.000ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến. Về cây rau, tỉnh có trên 2.000ha rau ƯDCNC, đã xây dựng được 8 chuỗi rau an toàn. Về cây thanh long, xây dựng vùng thanh long ƯDCNC tại Châu Thành với hơn 2.100ha. So với sản xuất lúa, rau, thanh long thì việc ƯDCNC trong nuôi bò thịt gặp khó khăn hơn nhưng đã xây dựng được 2 hợp tác xã (HTX) điểm, 16 tổ hợp tác và 10 mô hình điểm ƯDCNC trong chăn nuôi bò thịt.

Tuy đạt những kết quả bước đầu nhưng ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp còn gặp không ít khó khăn. Mô hình này đòi hỏi phải được thực hiện trên quy mô lớn, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng trong khi vốn còn hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề tiêu thụ nông sản cũng đang đặt ra những thách thức. Thị trường tiêu thụ nông sản công nghệ cao không ổn định; nhiều người vẫn còn đánh đồng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với những sản phẩm thông thường. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ƯDCNC còn hạn chế, nhất là những doanh nghiệp nhận cung cấp đầy đủ nhu cầu về cây, con giống, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp và bao tiêu nông sản. Để tháo gỡ những khó khăn, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ƯDCNC.

Theo đó, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với chính sách cho vay tín chấp ở hạn mức phù hợp; Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ dành ít nhất 100.000 tỉ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% - 1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sạch; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,... đã tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Giai đoạn 2021-2025, Long An tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó thực hiện ƯDCNC trên 60.200ha lúa, 6.000ha thanh long, 3.000ha chanh; duy trì 2.000ha rau, 100ha tôm ƯDCNC và bò thịt. Tại Kỳ họp họp lần thứ 24, HĐND tỉnh khóa IX, Chủ tịch Nguyễn Văn Út nhấn mạnh: UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao rất cần sự hỗ trợ của các địa phương, nhất là cấp xã và sự ủng hộ, tham gia của nông dân./.

Tâm Yên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích