Tiếng Việt | English

09/02/2021 - 15:41

Ước mơ tuổi Sửu

Những người tuổi Sửu, họ có cuộc sống, hoàn cảnh và ước mơ khác nhau. Nhưng điểm chung là những người có hoài bão và ý chí lớn. Đặc biệt, lời nói của họ luôn đi liền với hành động. Hãy lắng nghe những mong mỏi của họ, để hiểu thêm tính cách, cuộc đời của những người tuổi Sửu.

1. Giảng viên, Th.s - Bác sĩ. Nguyễn Quốc Dũng (sinh năm 1985), phường 4, TP.Tân An - Long An

"Tôi mong những thế hệ trẻ mà tôi đào tạo đều trở thành người có ích cho xã hội"

Tốt nghiệp cấp 3 tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Long An, tôi theo học ngành Y trường Đại học Y Dược Cần Thơ và rồi cơ duyên đưa đẩy tôi đến với ngành giáo. Hơn 10 năm giảng dạy tại Khoa Y – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, bộ môn Mô học – Giải phẩu bệnh, tôi đã đưa, đón biết bao thế hệ sinh viên. Chọn cái nghề truyền kiến thức, tôi mong sinh viên Y khoa ra trường không những có thể khám, chữa bệnh, đáp ứng các yêu cầu tay nghề của bác sĩ mà còn có năng lực nghiên cứu tốt và đặc biệt là trở thành một y, bác sĩ có trái tim nhân hậu, có đạo đức.

Tôi cũng mong những thế hệ mà tôi đào tạo đều trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, tôi thường tổ chức các hoạt động tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cho sinh viên tham gia, tạo điều kiện để các em tiếp xúc với thực tế, thấy được cuộc sống người dân các vùng, miền vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều mảnh đời rất bất hạnh. Qua đó, rèn luyện thế hệ trẻ tấm lòng yêu thương, giúp đỡ người.

Là một người con sinh ra và lớn lên tại Long An, tôi cũng hiểu được quê hương mình còn nhiều thiếu thốn, người dân chịu nhiều khó khăn, do đó, mặc dù công tác ở đâu tôi cũng hướng về nơi ấy, ưu tiên các nguồn lực để người dân quê hương mình bớt vất vả, nhất là người dân vùng biên. Trong chương trình “Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác” năm 2020, tôi dẫn đoàn sinh viên tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 200 người dân có hoàn cảnh khó khăn xã Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình, Bình Thành, huyện Đức Huệ.

Trong năm mới, tôi cố gắng học tập, nghiên cứu tốt bậc Tiến sĩ, để phát triển chuyên môn phục vụ công tác giảng dạy, cống hiến nhiều hơn nữa cho Y khoa. Đồng thời, tôi cũng mong vận động được thêm nhiều nguồn lực góp phần xây dựng đường giao thông nông thôn, để người dân quê hương thuận tiện đi lại cũng như sớm hoàn thành chương trình mục tiêu Nông thôn mới tại Long An.

2. Nông dân trẻ Cao Thị Thu Thương (sinh năm 1997), ấp 4, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành.

"Tôi ước những giọt mồ hôi của người nông dân không rơi xuống một cách vô nghĩa"

Từ bỏ giảng đường Sư phạm, tôi về quê khởi nghiệp với hơn 900 gốc thanh long ruột đỏ. Vườn thanh long của tôi được 3 năm tuổi, đang trong giai đoạn cho năng suất cao nhất. Tuy nhiên, thời gian qua cũng không mấy thuận lợi, lúc được giá thì mất mùa, lúc được mùa thì mất giá. Do chưa có kinh nghiệm nên tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình chăm sóc.

Hiện nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người trồng thanh long bị thua lỗ là do trái thanh long kém chất lượng, nhẹ cân, nhiễm bệnh. Có rất nhiều loại bệnh từ cây thanh long và lây lan ảnh hưởng trực tiếp đến trái, nên phải bán với giá rất thấp. Do đó, đối với người nông dân mới chuyển sang trồng thanh long như tôi gặp rất nhiều khó khăn trong kỹ thuật trồng.

Tôi mong chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân đặc biệt là nông dân trẻ kỹ thuật trồng trọt, hướng dẫn cách phun thuốc, bón phân và diệt sâu hại để trái thanh long năng suất cao.

Chính quyền các cấp hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức cho nông dân tham quan học hỏi sản xuất theo hướng VietGap, nếu mời được các nhà khoa học và những nhà nông giỏi về truyền đạt kinh nghiệm thì càng tốt. Hướng dẫn người dân cách trồng cho ra trái thanh long sạch để mở rộng thị trường bán cho nhà hàng, siêu thị,…và xa hơn là xuất khẩu sang thị trường nhiều nước khác, không phải lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở nông thôn, vì thế tôi luôn cảm nhận được bao nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người nông dân nơi miền quê bình dị và thân thương của mình. Tôi ước những giọt mồ hôi của người nông dân không rơi xuống một cách vô nghĩa, để mỗi vụ mùa đều bội thu, mỗi gia đình đều đủ đầy, sung túc.

3. Nguyễn Lý Thiên Trang (SN 1997) đoàn viên phường 1, TP.Tân An

Đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thành công với mô hình Trà sữa nhà làm bảo đảm chất lượng

Nhờ phong trào khởi nghiệp mà tôi mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Không dừng lại ở đó, để mở rộng mô hình, tôi tiếp tục đầu tư, kinh doanh bánh ngọt, nhưng không nhập bánh về bán mà trực tiếp làm để có thể bảo đảm chất lượng. Tôi tham gia các khóa học làm bánh, không ngừng học hỏi cũng như nghiên cứu nguyên liệu, gia vị để cho ra sản phẩm vừa ngon vừa bảo đảm an toàn và có vị khác biệt.

Đi lên từ khó khăn, tôi hiểu được sự vất vả trong giai đoạn đầu khởi nghiệp từ thiếu kinh nghiệm cho đến thiếu nguồn vốn. Do đó, tôi mong với những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên có tiềm năng, Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hơn nữa. Tôi cũng hy vọng thanh niên sớm được tiếp cận một loại hình quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đặc thù trong tương lai gần, giúp chúng tôi có điều kiện để thực hiện hoài bão. Việc đưa vào vận hành một bộ phận chuyên trách, một nguồn quỹ với những ưu đãi trực tiếp dành riêng cho các mô hình, đối tượng có nhiều tiềm năng trong khởi nghiệp sẽ mở ra vô số cơ hội phát triển vượt trội cho phong trào khởi nghiệp tỉnh nhà./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết