Tiếng Việt | English

30/11/2015 - 14:20

Vấn đề nhân dân bức xúc đều được đặt ra ở nghị trường

Gần như không có lĩnh vực “nóng” nào, dù ở một vùng miền hay một ngành, lĩnh vực mà nhân dân bức xúc lại không được đặt ra tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII vừa qua có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi đây vừa là kỳ họp cuối năm 2015 và cũng là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên không chỉ đánh giá kết quả thực hiện của năm 2015, quyết định kế hoạch 2016 mà còn xem xét kết quả trong 5 năm để từ đó định hướng cho 5 năm tới.

Qua hơn 30 ngày làm việc, Quốc hội đã bàn thảo và quyết định khối lượng công việc rất lớn, từ lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia đến thực hiện giám sát tối cao.

Thể hiện là cơ quan quyền lực

Đại biểu Lê Nam- Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hoá cho rằng, lâu nay vẫn còn những băn khoăn về vai trò, vị trí của cơ quan dân cử, song với những nỗ lực của nhiệm kỳ này, rõ ràng Quốc hội đã thể hiện mình là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thông qua nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giám sát.

Đại biểu Lê Nam- Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hoá

Theo đại biểu Lê Nam, việc lấy phiếu tín nhiệm đã có tác dụng rất tốt, minh chứng là một số Bộ trưởng ở đầu nhiệm kỳ có phiếu chưa cao nhưng điều đó thúc đẩy họ nỗ lực và vượt lên, đảm nhiệm xuất sắc lĩnh vực mình phụ trách.

“Ví dụ như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hay Bộ trưởng Bộ GTVT thể hiện được. Việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là việc xem xét đánh giá một con người, một thành viên Chính phủ mà nó có ý nghĩa lớn hơn, đó là tác động, thúc đẩy các thành viên Chính phủ làm việc tốt hơn, khẳng định mình hơn. Tôi cho rằng đó là điều rất tốt qua hoạt động giám sát của Quốc hội”, ông Lê Nam nói.

Hay trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, từ yêu cầu, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra những vấn đề “nóng” trên nghị trường. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và ngay tại Kỳ họp này cũng đã trả lời nhân dân, trước Quốc hội về quan điểm của Đảng, Nhà nước, của những lãnh đạo đất nước đối với vấn đề cử tri quan tâm.

Không có lĩnh vực “nóng” nào, dù chỉ ở một vùng miền hoặc có thể chỉ ở một ngành, một lĩnh vực mà nhân dân bức xúc lại không được đặt ra tại nghị trường.

Đánh giá về kinh tế - xã hội, có thể với nhiều góc nhìn khác nhau nhưng vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra với các thành viên Chính phủ, với những người có trách nhiệm hết sức thẳng thắn. Phần trả lời, giải quyết của các thành viên Chính phủ thể hiện sự tôn trọng rất cao các đại biểu nói riêng và Quốc hội nói chung.

“Những bức xúc của cử tri, của đại biểu Quốc hội đều được Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời. Trước đây có người chưa trả lời hoặc trả lời không đầy đủ thì bây giờ gần như tất cả các ý kiến đó đều đã được tôn trọng và trả lời đầy đủ. Tôi cho đó là những chuyển biến rất tốt”, đại biểu Lê Nam cho biết.

Sự nỗ lực và trách nhiệm trước dân

Đại biểu Bùi Đức Thụ- Uỷ viên thường trực Uỷ ban Ngân sách- Tài chính của Quốc hội cũng cho rằng điều nổi bật và ấn tượng tại Kỳ họp thứ 10 là sự thẳng thắn, xem xét một cách tổng thể và toàn diện các vấn đề kinh tế- xã hội, quản lý Nhà nước.

Việc đánh giá không chỉ đề cập thành tựu đã đạt được mà quan trọng là chỉ ra thách thức đặt ra không chỉ trong năm 2016 mà cho cả 5 năm tới, từ đó nêu rõ nguyên nhân và kiến nghị những giải pháp. Có giải pháp ở tầm chiến lược trung và dài hạn chứ không chỉ dừng lại ở giải pháp điều hành trong năm.

Đại biểu Bùi Đức Thụ- Uỷ viên thường trực Uỷ ban Ngân sách- Tài chính của Quốc hội

Thực hiện chức năng giám sát tối cao, nổi bật là phiên chất vấn các cá nhân do Quốc hội bầu và phê chuẩn phù hợp và đổi mới. Đại biểu chất vấn những vấn đề nổi lên trong năm 2015 và có tính đến cả nhiệm kỳ về những điều mà các Bộ trưởng, trưởng ngành đã cam kết trước Quốc hội.

Qua việc nhìn lại cả nhiệm kỳ để thấy được điều gì đã được thực hiện, điểm nào chưa đạt, nguyên nhân do đâu và từ đó quy trách nhiệm; đồng thời yêu cầu có giải pháp hoàn thiện, vượt qua thách thức, nắm bắt vận hội để phát triển trong điều kiện hội nhập thời gian tới.

Tiến sĩ kinh tế Bùi Đức Thụ cũng đánh giá, tại kỳ họp này, Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của đất nước và có giải pháp để xử lý, không chỉ ở tầm vĩ mô mà đứng cả ở lợi ích của người dân trong bối cảnh kinh tế - xã hội khó khăn, một bộ phận không nhỏ người dân thu nhập thấp, việc làm không ổn định, đời sống khó khăn.

Dù nguồn lực Nhà nước còn hết sức hạn chế, bội chi tăng cao trong nhiều năm, nợ công lớn nhưng cũng đã quan tâm giải quyết được một phần trong lộ trình cải cách tiền lương, bằng việc nâng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức thêm 5% (từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng). Riêng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công vẫn giữ mức tăng 8% như năm 2015.

“Dù chưa đạt như mong muốn, nhưng đó cũng là sự cố gắng, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của người lao động”, ông Bùi Đức Thụ đánh giá./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết