Tiếng Việt | English

10/05/2019 - 14:01

Vận động viên thành tích cao không còn phải còng lưng đóng tiền học

Nghị định 36 thực sự là bước đột phá, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các tài năng thể thao Việt Nam.

Các VĐV điền kinh Quách Thị Lan (trái), Bùi Thị Thu Thảo đều được ngành thể thao vận dụng cơ chế để tuyển thẳng vào Đại học TDTT Bắc Ninh vì thành tích đóng góp cho thể thao Việt Nam - Ảnh: Nam Khánh

Vận động viên thành tích cao được đóng học phí, ưu tiên tuyển thẳng vào đại học Thể dục Thể thao, đưa ra nước ngoài chữa trị chấn thương... 

Đó là một trong những nội dung tại nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thể dục Thể thao sửa đổi do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 14/6.

Khó khăn vì gánh nặng học phí 

Nhà vô địch châu Á cự ly 400m rào nữ Quách Thị Lan cho biết, vừa đóng 50 triệu đồng tiền học phí cho cô và anh trai Quách Công Lịch. Đây là số tiền hai anh em phải đóng để học bổ sung do thời gian các bạn học thì Lan và Lịch phải đi tập huấn, thi đấu nên phải nghỉ học. Vì thế, Lan cho biết hai anh em động viên nhau cố gắng thi đấu để có tiền đóng học phí.

Gánh nặng học phí khiến các vận động viên gặp rất nhiều khó khăn thời gian qua. Năm 2018, khi Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tọa đàm Vấn đề đào tạo, quản lý, sử dụng và những chính sách cho vận động viên thể thao thành tích cao, rất nhiều ý kiến đã được đưa ra để mong Quốc hội tháo gỡ.

Tại cuộc gặp, ông Lê Hoài Anh, tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nói: "Thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi việc tập luyện vô cùng khắc nghiệt. Nhiều VĐV phải nghỉ cả tháng đi thi đấu nước ngoài. Khi về nước, các vận động viên phải tự tổ chức để học bù với cô giáo theo từng môn và tự trả tiền cho giáo viên. Giành 1 huy chương vàng được vài chục triệu đồng tiền thưởng, lại phải mất tiền để đi học văn hóa thế này thì không được".

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, cho biết hàng trăm vận động viên các đội tuyển quốc gia đi thi đấu và tập huấn quốc tế phải kéo dài 7-8 năm mới tốt nghiệp đại học. 

Các vận động viên phải tự bỏ tiền túi trả học phí cho thời gian học bù là sự bất cập. Vận động viên sẽ không thể toàn tâm toàn ý cho tập luyện được nếu không có chính sách hỗ trợ kinh phí, thời gian cho họ học văn hóa.

Lối thoát cho vận động viên

Nghị định 36 thực sự là "lối thoát" cho các vận động viên, bởi khi được triệu tập vào đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ngành để tập huấn và thi đấu, họ sẽ được cơ quan sử dụng vận động viên chi trả học phí theo quy định.

Vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải quốc gia, quốc tế sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu thời gian thi trùng với thời gian tập huấn ở nước ngoài hoặc thi đấu tại các giải quốc tế. 

Và điều quan trọng, cơ quan sử dụng vận động viên phải tổ chức học bổ sung kiến thức văn hóa sau khi họ tham dự tập huấn, thi đấu tại các giải thể thao trong nước và quốc tế, đồng thời phải chi trả các khoản chi phí liên quan đến việc này.

Ưu tiên tuyển thẳng đại học

Theo nghị định 36, vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia đã tốt nghiệp THPT được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu Olympic Games, Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Asiad, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á, Cúp Đông Nam Á được ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh vào các ngành Thể dục thể thao, hoặc các chuyên ngành giáo dục thể chất của các trường đại học, cao đẳng. 

Ngoài ra, các vận động viên đoạt huy chương tại Olympic Games, Asiad, SEA Games được ưu tiên: xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập. Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ.

Ông Nguyễn Hồng Minh, chánh văn phòng Tổng cục Thể dục Thể thao, cho biết nghị định 36 thực sự là bước đột phá của Nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe, việc học văn hóa, công việc của vận động viên sau giải nghệ.

Trước đây, dù không có quy định cụ thể nên ngành thể thao phải vận dụng cơ chế để đưa một số vận động viên ra nước ngoài chữa trị chấn thương, các trường đại học thể thao tuyển thẳng vận động viên có thành tích đặc biệt. 

Nghị định 36 ra đời là quy định khung để ngành thể thao, các địa phương trên cả nước làm căn cứ để thực hiện chăm lo sức khỏe, học văn hóa... giúp vận động viên yên tâm tập luyện, cống hiến cho thể thao Việt Nam./.

Anh Khôi đoạt chức vô địch nhưng lỡ thi học kỳ

Ngày 09/5, kỳ thủ 17 tuổi Nguyễn Anh Khôi đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ mạnh để đăng quang nội dung cờ tiêu chuẩn Giải vô địch cờ vua toàn quốc 2019 tại Bắc Giang, với 8 điểm sau 9 ván bất bại (7 thắng, 2 hòa). Đây là lần thứ hai Anh Khôi đăng quang ở giải này.

Trao đổi với phóng viên, Anh Khôi cho biết do phải đến Bắc Giang thi đấu hơn cả tuần, đã bỏ lỡ kỳ thi học kỳ 2 (lớp 11). Vì vậy sau giải, Anh Khôi phải lao vào học tập để chuẩn bị thi lại.

Ở nội dung cờ tiêu chuẩn nữ, chức vô địch đã thuộc về Phạm Lê Thảo Nguyên với 7,5 điểm sau 9 ván.

Khương Xuân/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết