Tiếng Việt | English

23/07/2022 - 15:10

Văn nghệ sĩ góp sức tuyên truyền về nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tỉnh đề ra có giải pháp về tuyên truyền, góp phần nâng cao vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong XDNTM. Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Long An đã có không ít đóng góp trong công cuộc tuyên truyền về NTM của tỉnh.

1. Năm 2020, Châu Thành được công nhận là huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Nhằm phản ánh những thành tựu của địa phương, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh xây dựng chương trình văn nghệ chào mừng, trong đó có tiết mục kịch nói do đạo diễn Huy Phong viết kịch bản đặc biệt thu hút người xem.

Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Long An về đề tài xây dựng nông thôn mới được tổ chức thường niên (hiện gián đoạn do dịch bệnh) (Trong ảnh: Tiết mục tham gia hội thi vào năm 2020)

Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Long An về đề tài xây dựng nông thôn mới được tổ chức thường niên (hiện gián đoạn do dịch bệnh) (Trong ảnh: Tiết mục tham gia hội thi vào năm 2020)

Sau khi biểu diễn tại buổi lễ công nhận huyện NTM, vở kịch được dựng lại, tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động năm 2022 và mang về giải đặc biệt cho đạo diễn Huy Phong. Tuy chỉ có 4 diễn viên với 3 bối cảnh chính nhưng vở kịch đã lột tả được những đổi thay của quê hương Châu Thành trong suốt 9 năm XDNTM, cung cấp cho người xem thông tin cần thiết liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân Châu Thành cũng như hiệu quả của cây thanh long thời điểm đó. Vở kịch mang lại hiệu ứng khá tốt và thu hút người xem.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh - Đặng Thị Uyên Phương nhận xét: “Huy Phong là đạo diễn, tác giả tài năng của Trung tâm. Khi viết các kịch bản tuyên truyền, anh kết hợp khéo léo giữa thông tin, số liệu, báo cáo với những mảng, miếng sân khấu tạo nên một tổng thể tác phẩm hài hòa, duyên dáng và thu hút. Nhờ vậy, những đề tài tuyên truyền cứ nghĩ là khô cứng trở nên mềm mại, dễ đi vào lòng người hơn”. Bà Uyên Phương bật mí, người đóng vai nữ chính trong tác phẩm kịch của anh Huy Phong chính là vợ anh - nghệ sĩ Kim Phượng.

Thông qua mắt nhìn của người nghệ sĩ, những thành tựu, số liệu tưởng chừng “khô cứng” trở nên dễ đi vào lòng người. Trong Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022, nhóm múa Phù Sa mang đến Hội thi tiết mục múa Mạch sống ca ngợi những đổi thay của quê hương Long An, thành quả lao động của người Long An cũng như quảng bá du lịch tỉnh nhà. Nhìn vào bài múa, ai cũng nhận ra huyện Châu Thành trù phú với những vườn thanh long chín đỏ, Làng nổi Tân Lập nổi danh về du lịch sinh thái tại Long An.

Biên đạo múa Nguyễn Thanh Phong chia sẻ, anh sáng tác bài múa Mạch sống kết hợp với các tiết mục khác trong chương trình khác nhằm quảng bá cho quê hương Long An, thể hiện niềm tự hào về một vùng quê đang từng ngày đổi mới. Thông qua những vũ điệu uyển chuyển, kết hợp hình ảnh rực rỡ và nghệ thuật xiếc, Mạch sống giúp người xem cảm nhận rõ nét sức sống và sự chuyển mình của Long An trong hành trình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tiết mục được trao Huy chương Bạc tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022 và được Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa định hướng nên đưa vào biểu diễn phục vụ người dân. 

Diễn viên biểu diễn tiết mục Mạch sống trên nền nhạc và hình ảnh về cây thanh long nhằm ca ngợi vùng quê chuyên canh thanh long nổi bật của tỉnh tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022

Diễn viên biểu diễn tiết mục Mạch sống trên nền nhạc và hình ảnh về cây thanh long nhằm ca ngợi vùng quê chuyên canh thanh long nổi bật của tỉnh tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022

2. Bà Uyên Phương cho biết, tuyên truyền về XDNTM là nhiệm vụ thường xuyên tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh thông qua nhiều hình thức. Trước đây, đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm thường tổ chức biểu diễn phục vụ tại các địa phương với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có XDNTM. Hội thi tuyên truyền lưu động cũng được tổ chức, vừa tạo sân chơi cho phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương, vừa góp phần giúp công tác tuyên truyền (trong đó có tuyên truyền về XDNTM) được phong phú và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm đều tổ chức hội thi đờn ca tài tử chủ đề XDNTM vừa góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, vừa giúp hoạt động tuyên truyền về NTM được phong phú hơn. Ngoài khen thưởng các tiết mục biểu diễn, hội thi còn trao giải cho sáng tác mới nổi bật.

Vở kịch của đạo diễn Huy Phong được dàn dựng và biểu diễn lại tại Hội thi tuyên truyền lưu động năm 2020

Vở kịch của đạo diễn Huy Phong được dàn dựng và biểu diễn lại tại Hội thi tuyên truyền lưu động năm 2020

Không chỉ trên lĩnh vực biểu diễn, các soạn giả, nhạc sĩ, tác giả cũng có nhiều đóng góp trên lĩnh vực sáng tác với nhiều bản nhạc, bài ca ca ngợi sự thay đổi của quê hương. Hội thi Sáng tác và trình bày ca khúc về NTM năm 2020 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tác giả với 55 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm như Tân Trụ ngày mới (nhạc Dương Năm, thơ Nguyễn Ngọc Phú), Đón mừng NTM (tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa) được đón nhận, biểu diễn thành công không chỉ tại hội thi mà cả trong các chương trình về tuyên truyền, phục vụ tại địa phương.

Những sáng tác của các soạn giả: Nguyễn Minh Tuấn, Diệp Vàm Cỏ,... về NTM cũng như các huyện trong tỉnh như Châu Thành, Thủ Thừa,... được người dân địa phương yêu mến. Nhiều nhạc sĩ cũng biến tình yêu quê hương thành bản nhạc, lời ca: Hương tình miền hạ, Về với quê anh,... và được người nghe đón nhận nồng nhiệt.

Chương trình XDNTM mang đến cho người dân những lợi ích thiết thực về đời sống vật chất, tinh thần. Những con đường được bêtông hóa, niềm vui "trúng mùa, được giá", cảnh đẹp quê hương sau đổi mới được các nghệ sĩ đưa vào nhạc, vào kịch một cách nhẹ nhàng, tình cảm với sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, màu sắc, vũ điệu, nghệ thuật biểu diễn,... mang đến cho người xem ấn tượng sâu sắc về những thành quả của hành trình XDNTM, tạo ra hiệu quả thiết thực cho công tác tuyên truyền./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết