Tiếng Việt | English

22/11/2021 - 08:30

Vận tải hành khách 'lao đao' vì dịch

Những chuyến xe “trống huơ, trống hoác” chầm chậm xuất bến trong suốt gần 1 tháng qua từ ngày hoạt động vận tải hành khách được phép hoạt động trở lại. Cùng với đó, giá xăng, dầu liên tục tăng khiến các nhà xe đã khó lại càng khó hơn trong nỗ lực duy trì hoạt động vận tải hành khách các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh.

01 chuyến xe: 2 hành khách

6 giờ, 4 chiếc xe khách tại các tuyến nội tỉnh Tân An - Khánh Hưng, Tân An - Hậu Thạnh, Tân An - Đức Huệ, Tân An - Bình Hòa Hưng cùng 2 chiếc xe khách tuyến liên tỉnh Tân An - Tây Ninh, Tân An - Vũng Tàu nằm bến sẵn sàng chờ khách. Cửa mở, các tài xế cũng đã lấy lệnh xuất bến chờ sẵn nhưng cả bến vắng hoe. Hơn 1 tiếng đồng hồ, chỉ lác đác vài người đến gửi hàng hóa cùng vài khách lẻ. Có lẽ chưa khi nào các đơn vị vận tải hành khách lại khó khăn như hiện nay.

Những nhà xe như chúng tôi đều mong muốn các cấp chính quyền cần xem xét có các hình thức hỗ trợ, tiếp sức cho đơn vị vận tải hành khách để chúng tôi duy trì hoạt động ổn định, phục vụ người dân”.

Anh Võ Văn Trung Hiếu, chạy tuyến Hậu Thạnh - Tân An

Cầm lệnh xuất bến, anh Võ Văn Trung Hiếu (xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh) chủ xe 62P-009.13 chạy tuyến Hậu Thạnh - Tân An và ngược lại “khá vui” bởi bữa nay, sau hơn 1 tháng chạy, lần đầu tiên xuất bến được 3 hành khách cùng một ít hàng hóa ký gửi theo xe. “Lần đầu tiên xe được 3 khách chứ thường thì 1, 2 khách, còn nhiều chuyến chỉ chạy xe không với ít hàng. Nếu bắt thêm được một vài khách dọc đường hoặc có thêm hàng ký gửi thì may ra chuyến này hòa vốn” - anh Hiếu cho biết.

Sau 4 tháng phải ngừng hoạt động bởi dịch Covid-19, giữa tháng 10 vừa qua, anh quyết định chạy lại tuyến xe sau khi hoạt động vận tải hành khách được phép hoạt động. Thế nhưng, niềm vui chưa đến thì hàng loạt khó khăn đổ dồn lên nhà xe, nhất là lượng khách đi xe rất ít. “Cứ chạy 10 chuyến thì có đến 7 chuyến lỗ vốn, còn lại thì hòa vốn” - anh Hiếu khẳng định. Cùng chung với tuyến xe của anh Hiếu, 2 tuyến xe khác là Tân An - Đức Huệ và Tân An - Khánh Hưng cùng tuyến xe khách liên tỉnh Tân An - Vũng Tàu cũng trong tình trạng “đói khách” trước giờ xuất bến.

Bến xe Long An mới chỉ có vài tuyến xe chạy nhưng số lượng khách đi rất ít

Theo Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Phúc, đến nay, hoạt động vận tải hành khách được mở lại như thời điểm trước dịch để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy, người dân vẫn còn rất dè dặt, số lượng hành khách rất ít, nhiều chuyến xe vắng khách. Theo ông Phúc, qua thống kê cho thấy, với 29 chuyến xe xuất bến tại 8 tuyến nội tỉnh và 8 tuyến liên tỉnh, trung bình một ngày vận chuyển khoảng 50 hành khách, rất nhiều chuyến xe liên tỉnh xuất bến không có hành khách. Tính ra 1 chuyến xe xuất bến không đủ 2 hành khách. Đơn cử như ngày 10-11, tại 8 tuyến liên tỉnh với 15 đầu xe chạy thì có tới 8 chuyến xuất bến khi trên xe không một hành khách.

Bên cạnh đó, lý giải về nguyên nhân các tuyến xe buýt nhanh giữa tỉnh Long An và TP.HCM chưa đi vào hoạt động dù người dân có nhu cầu, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, ngay từ đầu tháng 10, Sở đã có đề xuất cho hoạt động tuyến buýt nhanh Tân An - Chợ Lớn trong thời gian 1 tuần để làm cơ sở mở lại các tuyến buýt nhanh khác giữa Long An và TP.HCM. Tuy nhiên, đề xuất của Long An chưa được TP.HCM chấp thuận. Do đó, các tuyến buýt nhanh giữa Long An và TP.HCM đến nay vẫn chưa được mở lại phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Long An - Đinh Hữu Phương cho biết: Sau khi các tuyến xe khách nội tỉnh và liên tỉnh được phép hoạt động, một số đơn vị vận tải đã đăng ký và cho xe hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các chuyến xe xuất bến đều chỉ có 1, 2 hành khách, rất nhiều chuyến xe không một bóng khách. “Nếu trước đây, trung bình 1 ngày Bến xe Long An có gần 40 lượt xe xuất bến, chưa kể tuyến buýt nhanh Tân An - Chợ Lớn phục vụ cả ngàn lượt khách/ngày thì nay chỉ còn  hơn 10 chuyến xuất bến. Một số tuyến, đơn vị vận tải cũng còn e ngại chưa cho xe vào hoạt động. Riêng tuyến xe buýt Tân An - Chợ Lớn hiện nay vẫn chưa thể hoạt động trở lại dù thực tế người dân có nhu cầu”.

Khách vắng, còn giá xăng, dầu liên tục tăng

Hoạt động tuyến xe khách Khánh Hưng - Tân An lâu năm nhưng có lẽ chưa bao giờ hoạt động vận tải hành khách đối với chị Trần Thị Thanh Việt (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) khó khăn như hiện nay. Hơn 20 ngày đưa xe vào chạy trở lại thì đủ từng ấy ngày chị chạy xe lỗ vốn dù đã cắt giảm tối đa chi phí. Chị Việt cho biết: “Khi quyết định chạy trở lại, gia đình cũng đắn đo, suy nghĩ dữ lắm! Nhưng nếu không chạy lại thì khách cũng không biết mà tiền bảo dưỡng xe định kỳ, chi phí bảo trì đường bộ vẫn phải đóng đều. Nhưng chạy rồi mới biết. Mấy ngày đầu hầu như không có khách cả chiều đi và chiều về. Đến khi bắt đầu có khách và hàng hóa thì giá xăng, dầu lại nhảy vọt khiến chúng tôi chịu rất nhiều áp lực. Trước đây, chồng tôi không chạy xe thì nay phải kiêm luôn tài xế để kéo giảm chi phí”.

2 chiếc xe tuyến Tân An - Vũng Tàu nằm không chờ khách trước giờ xuất bến

Còn anh Võ Văn Trung Hiếu, chạy tuyến Hậu Thạnh - Tân An, nhẩm tính cứ 1 chuyến, anh phải mất chi phí cố định hơn 900.000 đồng gồm chi phí tài xế, xăng dầu và tiền bến bãi 2 chiều, đó là chưa kể tiền ăn. Trong khi đó, xe rất vắng khách đã khiến các nhà xe rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn khi vừa chịu tác động của dịch bệnh, vừa phải chịu tác động của việc tăng giá xăng, dầu. “Những nhà xe như chúng tôi đều mong muốn các cấp chính quyền xem xét có các hình thức hỗ trợ, tiếp sức cho đơn vị vận tải hành khách để chúng tôi duy trì hoạt động ổn định, phục vụ người dân” - anh Hiếu mong muốn.

Không những các nhà xe gặp khó khăn, ngay cả đơn vị kinh doanh bến bãi như Công ty Cổ phần Bến xe Long An cũng chung cảnh ngộ. Theo ước tính, năm 2021, doanh thu của đơn vị sụt giảm khoảng 70% so với dự kiến. Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Long An - Đinh Hữu Phương khẳng định: “Các tuyến xe khách hoạt động ít, vắng khách kéo theo toàn bộ dịch vụ của đơn vị giảm sút hẳn. Ít xe chạy, không hành khách thì lấy đâu ra dịch vụ đi kèm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu chủ yếu của đơn vị. Trong khi đó, năm nay, chi phí vận hành của đơn vị tăng lên chứ không hề giảm. Như năm nay, đơn vị phải chịu mức giá thuê đất hàng năm hơn 500 triệu đồng, cao hơn khoảng 2,5 lần so với năm 2020 do chịu khung giá thuê đất mới giai đoạn 2021-2025, rồi tiền điện, nước, chi phí trả lương nhân viên. Dù trong những tháng qua, nhân viên của đơn vị chỉ nhận mức lương tối thiểu vùng nhưng cũng không tiết kiệm được bao nhiêu so với sức tác động do dịch Covid-19 đối với hoạt động vận tải hành khách”.

Khó khăn, áp lực là điều dễ nhận thấy đối với các đơn vị hoạt động vận tải hành khách trong giai đoạn hiện nay. Những chính sách hỗ trợ càng cụ thể, càng kịp thời sẽ rất cần thiết lúc này để giúp các đơn vị vận tải hành khách bớt đi áp lực, khó khăn để duy trì hoạt động, từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân./.

Các tuyến xe khách hoạt động ít, vắng khách kéo theo toàn bộ dịch vụ của đơn vị giảm sút hẳn. Ít xe chạy, không hành khách thì lấy đâu ra dịch vụ đi kèm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu chủ yếu của đơn vị. Trong khi đó, năm nay, chi phí vận hành của đơn vị tăng lên chứ không hề giảm. Như năm nay, đơn vị phải chịu mức giá thuê đất hàng năm hơn 500 triệu đồng, cao hơn khoảng 2,5 lần so với năm 2020 do chịu khung giá thuê đất mới giai đoạn 2021-2025, rồi tiền điện, nước, chi phí trả lương nhân viên. Dù trong những tháng qua, nhân viên của đơn vị chỉ nhận mức lương tối thiểu vùng nhưng cũng không tiết kiệm được bao nhiêu so với sức tác động do dịch Covid-19 đối với hoạt động vận tải hành khách”.

Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Long An - Đinh Hữu Phương

Kiên Định

Chia sẻ bài viết