Tiếng Việt | English

07/10/2017 - 06:07

VCCI lo tăng thuế giá trị gia tăng tác động tiêu cực tới nền kinh tế

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính bày tỏ lo lắng việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đây là một trong những nội dung được đại diện VCCI gửi tới Bộ Tài chính góp ý với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên.

Doanh nghiệp dân doanh chịu ảnh hưởng nặng?

Riêng với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ mức 5-10% hiện tại lên 6-12%, đại diện VCCI cho rằng, đây là một sự thay đổi chính sách rất lớn nhưng lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ trong tờ trình.

“Tờ trình mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế này,” văn bản của VCCI nêu lên.

Văn bản gửi tới Bộ Tài chính cũng phân tích, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác.

Về mặt kinh tế, đại diện VCCI cho rằng, việc tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm trở lại đây thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này.

Báo cáo của VCCI dẫn đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết với mô hình phát triển như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm ở mức 1% sau mỗi thập kỷ và tác động của việc tăng thuế sẽ đẩy nhanh hơn mức suy giảm này.

Phía VCCI cũng chỉ ra, trong 3 nhóm doanh nghiệp (quốc doanh, dân doanh trong nước và FDI) thì các doanh nghiệp dân doanh trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng thuế giá trị gia tăng.

“Các doanh nghiệp FDI hiện nay tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, không chịu thuế giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp Nhà nước mặc dù cũng phải nộp thuế nhiều hơn nhưng sau đó có thể được thụ hưởng từ các khoản chi đầu tư tăng thêm có được từ tiền tăng thuế,” đại diện VCCI phân tích.

Đặc biệt, việc tăng thuế theo nhận xét còn có nguy cơ ảnh hưởng đến năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam. “Mỗi năm, Việt Nam có khoảng1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Trong 3 thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân trong nước có khả năng tạo việc làm tốt nhất trên mỗi đồng vốn đầu tư. Do đó, tiếp theo việc doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tăng thuế giá trị gia tăng, năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng,” văn bản gửi tới Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Với những tác động kinh tế-xã hội như vậy, đại diện VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo “hết sức cân nhắc việc tăng thuế giá trị gia tăng như đề xuất.”

Kiến nghị chưa đánh thuế nước ngọt

Ở hướng khác, thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là một trong những nội dung được phía VCCI kiến nghị tới cơ quan soạn thảo.

Dự thảo đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10% nhằm mục tiêu chính là bảo vệ sức khoẻ nhân dân do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì. Đại diện VCCI cho rằng, đây là một mục tiêu hợp lý, vì sức khoẻ cộng đồng nhưng cũng lưu ý: Hiện nay chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc, liệu việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt như vậy sẽ làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu.

Cơ quan này cho rằng cần tiên liệu một số tác động tiêu cực của chính sách thuế với nước ngọt. Các tác động đó có thể bao gồm ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của các gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và người nông dân trong một số lĩnh vực nông nghiệp.

Đại diện VCCI cho rằng, mức thuế 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị nhưng sẽ là tác động đáng kể đối với khả năng chi tiêu của nhiều gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, phía VCCI lên tiếng: Thuế nước ngọt còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và người nông dân.

“Theo cách đánh thuế đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành càphê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa,” văn bản của VCCI nêu lên.

Cơ quan này lấy ví dụ về ngành công nghiệp mía đường: “Hiện nay, thuế giá trị gia tăng đối với đường chỉ là 5%. Nói cách khác, Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế đối với ngành mía đường, nhằm bảo đảm quyền lợi của người nông dân trồng mía. Thế nhưng cũng chính sản phẩm đường đó, pha vào nước đóng chai thì lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là Nhà nước không khuyến khích. Như vậy, ở đây đã thể hiện một sự thiếu nhất quán về chính sách,”

Qua đó, đại diện VCCI kiến nghị chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.

Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì, phía VCCI cũng cho rằng, chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định.

“Phương pháp này vừa giúp tránh đánh thuế đối với một số sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không thể tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì nếu hàm lượng đường thấp thì không thể là nguyên nhân gây béo phì,” phía VCCI lên tiếng./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết