Tiếng Việt | English

18/05/2022 - 13:00

Về Cần Đước mà nhớ...

Tháng tư, tôi đi cùng đoàn Chi hội Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Long An về thăm lại một nơi chốn mà tôi có nhiều kỷ niệm. Sau khi trao quà cho học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cần Đước, chúng tôi đi Long Hựu Đông, thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Văn Thị Khen ở ấp Rạch Cát, rồi ngồi xe rảo mắt toàn cảnh di tích Đồn Rạch Cát.

Cửa sông Soài Rạp, nơi hợp lưu với sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát

Cửa sông Soài Rạp, nơi hợp lưu với sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát

Thăm lại Nhà Trăm cột (xã Long Hựu Đông) ở cuối con lộ bêtông (thay bờ đất cũ, hẹp), xe ôtô nhỏ có thể đến tận thềm nhà. Hồn cốt Nhà Trăm cột vẫn uy nghi như thách thức với thời gian. Tiếp chúng tôi là bà Trần Thị Ngỏ - chủ nhân thừa kế. Bà có thể kể vanh vách lai lịch và nghệ thuật kiến trúc, chạm trổ nhà rường đến từ Huế để tạo nên ngôi nhà độc đáo này.

Thăm di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cổ Phước Lâm, một địa chỉ tâm linh với nhiều huyền thoại dân gian. Không gian thờ bên trong ánh lên màu vẹc-ni, xà cừ và tượng đồng bóng loáng dẫn dắt khách tham quan, chiêm bái. Hàng trăm tượng đủ loại an vị trên các bàn thờ gỗ cổ rất mỹ thuật. Chùa ra đời đã hơn trăm năm, vẫn nguyên vẹn như chưa hề có dấu vết thời gian trôi qua...

Qua ba địa chỉ trên, so toàn cảnh miền sông nước ở đây thì chưa bõ bèn gì. Tâm thức tôi vẫn rạo rực cảm xúc về nhiều địa chỉ đáng tham quan khác của vùng đất nổi danh “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”, nơi từng trải chiếu hoa cho Nhạc sư tiền phong Nguyễn Quang Đại đến “dệt” chiếc nôi đờn ca tài tử đầu tiên ở Nam bộ. Tôi ước, trên cù lao Long Hựu, giữa bốn bề sông nước, hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển ấy, là một địa chỉ du lịch trọng điểm, khôi phục được làng nghề đóng ghe mũi đỏ, xưởng sửa chữa ghe tàu trên kinh Nước Mặn; nâng cấp chợ Kinh Nước Mặn thành khu thương mại - dịch vụ du lịch, quy tụ được các mặt hàng nông, thủy sản, thủ công, mỹ nghệ truyền thống và khu ăn uống như du lịch Đầm Bà Tường (Cà Mau) với các hàng quán nổi ven bờ, thu hút nguồn thủy, hải sản từ biển Gò Công và Rừng Sác, Cần Giờ, chế biến thành các món ăn phục vụ du khách.

Tôi nhớ lần Hội thảo khoa học về Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tổ chức tại hội trường huyện Cần Đước và Lễ rước linh vị cụ Ba Đợi từ quận 8 (TP.HCM) về đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ), nhà văn - nhà Nam bộ học Sơn Nam tham luận: “Nói là Sài Gòn 300 năm, chứng cứ đâu thì tôi chưa tìm thấy. Chớ Cần Đước thì tôi có đọc mấy bộ gia phả của vài dòng họ ở đây, thấy tổ tiên người Cần Đước đã đến khai phá vùng đất này từ trên 300 năm trước, là có cơ sở”.

Về lại Cần Đước lần này, tôi chợt nhớ 4 câu thơ của thi sĩ Quang Dũng khi ông trở về quê hương sau bao năm chinh chiến: “Đường về quê hương, về quê hương/ Chẳng thấy quê hương chỉ thấy đường/ Tôi đã đi trên đường nhựa ấy/ Ba mươi năm trước lúa thu vàng”. 30 năm trước, tôi thường về 2 vùng thượng, hạ của Cần Đước để viết báo. Khi ấy, những nơi này chỉ thuần “làng quê” với đường đi hầu hết là bờ ruộng. Tôi từng “3 cùng” với gia đình nông dân. Nhà ở giữa vườn rau mênh mông. 2 hố bom đã được “nâng cấp” thành 1 cái ao dài và sâu, trữ nước mưa trong veo cho sinh hoạt và lấy nước tưới cây quanh năm không bao giờ cạn. Cần Đước là huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và cũng là huyện văn hóa đang được tiếp tục nâng cao chất lượng, để xứng tầm hơn nữa các danh hiệu đã đạt ấy. Lần trước về đây, tôi gặp một kỹ sư công nghệ thông tin đã “bỏ phố về quê”, biến một vùng đầm dừa nước ngập mặn lâu năm ở xã Tân Chánh thành nhiều ao nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Lần khác, tôi và anh bạn nhà văn đến từ TP.HCM ghé vào một khu trồng rau an toàn ở xã Long Sơn, gặp cô kỹ sư nông nghiệp cũng “bỏ phố về quê” trồng rau ứng dụng công nghệ cao với cả niềm đam mê của tuổi đôi mươi tràn đầy năng lượng.

Trên một “đường về quê hương” Cần Đước

Trên một “đường về quê hương” Cần Đước

Cũng có lần, tôi đi với Hội Sinh vật cảnh Long An về Cần Đước tham quan một doanh nghiệp thuê nhiều hécta biền dừa nước, cải tạo thành khu trồng hoa lan xuất khẩu. Chao ôi, cái vùng đất ngập mặn bao đời ai nghĩ là trồng được thứ “hoa vương giả”, khó tính ấy bằng công nghệ cao? Thế mà tầng tầng lớp lớp giàn, vỉ trồng lan Dendro và các giống lan khác bày ra mút tầm nhìn, có thể mở được khu du lịch.

Hơn 30 năm trước, tôi chạy xe máy trên đường nhựa mới (trước đó là bờ, là đường đất) từ Thuận Đạo qua Long Định, Long Cang mà ngỡ ngàng vì những tòa nhà doanh nghiệp quá đồ sộ và lộng lẫy cùng những nhà máy, nhà xưởng trải dọc hai bên đường. Vậy mà đây đó bên mép đường nhựa vẫn nổi lên từng dãy lác phơi nắng của người dệt chiếu, cho thấy họ vẫn bám giữ nghề truyền thống của cha ông mình...

Cần Đước có rất nhiều chuyện để nhớ thương như thế đó!

Tản văn của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết