Tiếng Việt | English

23/09/2022 - 12:24

Về Đồng Tháp Mười mùa nước nổi (Bài cuối)

Không giống như những cơn lũ gây thiệt hại, mang đến nỗi kinh hoàng cho người dân miền Trung hay miền Bắc, mùa lũ (còn gọi là mùa nước nổi) ở Đồng bằng sông Cửu Long là hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống của người dân nơi đây. Từ tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm, con nước đỏ ngầu từ thượng nguồn sông MêKông đổ về, khu vực Đồng Tháp Mười (ĐTM) vào mùa “nước nhảy khỏi bờ”. Mùa nước nổi ở ĐTM cũng là mùa sôi động nhất trong năm, mùa của "cá nước, chim trời" gắn liền với tập quán của người dân vùng sông nước.

Bài cuối: Đặc sắc ẩm thực vùng đồng Tháp Mười

Về ĐTM mùa nước nổi để được ngắm sen hồng, lúa chín, rộn ràng thả lưới, giăng câu, hái bông súng, bông điên điển, ăn bữa cơm quê dân dã miền sông nước và tận hưởng cuộc sống yên bình, dung dị. Vẻ đẹp của vùng đất này trong mùa nước nổi chắc chắn sẽ là những kỷ niệm đẹp cho những ai đã, đang và sẽ đến nơi đây.

 

1. Ẩm thực ĐTM mang đậm hương vị quê hương, dân dã với những món ăn được chế biến từ những nguyên liệu vô cùng quen thuộc và gần gũi với cuộc sống thường ngày. Vào mùa nước nổi, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn mộc mạc như chính những người dân nơi đây nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Đó là tô canh chua cá linh bông điên điển nghi ngút khói hay nồi lẩu mắm thơm nức mũi nấu với cá rô đồng...

Nhớ nồi canh điên điển

Cá bông lau, mỡ, hành

Ngậm màu bông chín nõn

Thẹn thùng quên cả ăn

(Bông điên điển - Tử Nhi)

Canh chua cá linh bông điên điển, món ngon của mùa nước nổi

Được xem là đặc sản của mùa nước nổi, khi bông điên điển nở vàng rực cũng là lúc những con cá linh theo dòng nước lũ đổ về, tràn khắp các sông và ao, rạch. Từ những thứ sẵn có này, người dân ĐTM đã khéo léo kết hợp các món ăn mang ăn đậm hương đồng gió nội.

Anh Nguyễn Thanh Trúc (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) chia sẻ, nhớ ngày còn nhỏ, vào mùa nước lũ, đến đoạn có hàng bông điên điển trổ vàng rực, đám bạn gần nhà háo hức hái rồi nô đùa rộn rã một khúc sông. Điên điển ngày xưa là cây hoang dã, thuộc họ đậu thân gỗ nhỏ, dễ thích nghi với môi trường và có sức sống mãnh liệt ở vùng ngập nước theo mùa. Bông có màu vàng tươi, là thực phẩm giàu dinh dưỡng mang hương vị đặc trưng.

Mỗi mùa bông điên điển, người dân sẽ chèo xuồng trong từng bờ rạch, bờ đê, hái những chùm bông vàng rực để làm rau ăn trong mỗi bữa cơm. Chính cuộc sống khó khăn từ xa xưa đã tạo nên sự sáng tạo trong từng bữa cơm của người dân miệt sông nước Nam bộ nói chung, vùng ĐTM nói riêng vào mỗi mùa nước nổi tràn về khắp các cánh đồng. Từ loại bông này, người dân đã chế biến thành nhiều món ăn ngon như làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi tép đồng, xào,... hoặc ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá,... Vào khoảng tháng 11 Âm lịch, lũ cũng rút dần, bông điên điển lại đến lúc tàn một mùa hoa, kết trái, chờ mùa sau.

2. Quê em mùa nước nổi

Điên điển nở vàng đồng

Chiếc xuồng con chèo chóng

Trắng trời nước mênh mông

(Mênh mông mùa nước nổi - Xuân Vy)

Có nhiều món ngon được chế biến từ điên điển nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là canh chua cá linh bông điên điển. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua của me, thơm giòn của bông điên điển chấm với nước mắm mặn thêm ớt,... khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon. Với người dân ĐTM, từ loại bông điên điển, họ có thể tận hưởng một bữa tiệc dân dã mà không phải nhà hàng nào ở thành phố cũng có được.

Chuột đồng cũng là món ăn không thể thiếu trong mùa nước nổi

Bà Nguyễn Thị Đấu (xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) cho biết, “cặp bài trùng” cá linh - bông điên điển dù nấu riêng hay kết hợp chung đều rất ngon. Đầu con nước, cá linh non xương mềm, thịt ngọt nên kho tiêu, chiên bột hay đổ bánh xèo bông điên điển là số một. Đến cuối mùa lũ, con cá linh lớn bằng ngón chân, mập ú, bụng đầy mỡ thì kẹp tre nướng than hồng là hết sẩy. Đây là những món ăn dân dã, đơn giản nhưng hương vị đậm đà, chất chứa bao nỗi niềm, tình cảm của người dân ĐTM.

Đối với anh Ngô Thiên Chương (từng là nhà báo, nhiếp ảnh gia) hiện kinh doanh bánh mì xíu mại chén Mr.True tại quận 4, TP.HCM, dù có xa quê (thị xã Kiến Tường) nhiều năm nhưng những kỷ niệm về mùa nước nổi, nhất là những món ăn của tuổi thơ thì không thể nào quên. Anh Chương trải lòng: “Người ta nói, bài hát hay nhất là bài hát gắn liền với kỷ niệm và thức ăn cũng vậy, không cao lương mỹ vị nào tuyệt vời bằng cơm quê, cơm mẹ nấu, cơm của những ngày cả nhà túm tụm lại chỉ với vài con cá lòng tong kho. Xa quê hương mấy chục năm, món ăn quê vẫn là ký ức mà mỗi người con đều mang theo. Với tôi, đó là tô canh lá cách nấu nhái, trái mướp đầu mùa hái bên mé hiên nhà, chảo cá kho khô, chuột đồng chiên giòn mùa nước nổi,... Quê xưa dù có nghèo, có đơn sơ đến cỡ nào thì món quê vẫn ngon bởi mỗi bữa ăn quê luôn nồng ấm cái tình, đó là mẹ, ngoại, cậu, dì út”.

3. Cá là món ăn không thể thiếu đối với người dân vùng ĐTM. Ngoài cá linh, cá chốt, còn có cá lóc. Cá lóc có thể làm khô, nấu cháo và đặc biệt là cá lóc nướng cuốn với lá sen non,... Cá lóc nguyên con được nướng trui hay nướng rơm, giữ lại bộ lòng. Sau khi nướng xong, cá được bổ dọc sống lưng rồi rưới mỡ hành, thêm một ít đậu phộng vào. Với món ăn này, nước chấm được chế biến từ loại nước mắm cá linh và me dốt, thêm ít gia vị, tỏi, ớt sao cho hòa quyện với nhau. Sau đó, lá sen non được đặt vòng quanh con cá. Khi ăn sẽ có vị ngon ngọt của cá, bùi bùi, béo của đậu phộng, mùi thơm của hành, chua chua của mắm me và vị chát đắng nhẹ của lá sen cùng hòa quyện vào nhau, tạo hương vị khó cưỡng lại được.

Khô cá lóc

Không chỉ cá, săn bắt chuột đồng cũng là hình ảnh quen thuộc của người dân vùng này. Chuột đồng có nhiều cách chế biến như chiên vàng, khìa nước dừa, muối sả chiên, xào lá cách, làm nhân bánh xèo, xào lăn, nướng, quay lu, làm khô,… và có thể nấu chua cơm mẻ. Ngoài ra, các món ăn không thể thiếu trong mùa nước nổi còn có kèo nèo làm chua, mắm kho, cà na ngâm đường hoặc làm chua ngọt,...

Ẩm thực ĐTM khá đa dạng, có thể là những món ăn chưa phải là ngon đối với một số người nhưng lại mang đậm nét văn hóa về tình đất, tình người. Đến với ĐTM mùa nước nổi, chắc chắn du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về nét sinh hoạt, đời sống văn hóa và ẩm thực của người dân nơi đây./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết