Tiếng Việt | English

02/10/2018 - 10:45

Về Long An thưởng thức món ngon nước bạn

Long An không là “thiên đường” ẩm thực như TP.HCM, cũng không quá nổi tiếng với những quán ăn Hàn Quốc, Nhật Bản,... Nhắc đến Long An, nhiều người thường nhớ đến những món ăn dân dã, bình dị như cá lóc nướng trui, canh chua bông điên điển,... nên nói về Long An thưởng thức món ngon nước bạn nghe có vẻ lạ. Vậy hãy cùng chúng tôi khám phá những món ngon này nhé!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cuối tuần, nhóm bạn í ới hẹn nhau về Long An, gần lắm nè, chỉ cách TP.HCM 50km thôi! Gần đây, Long An được nhiều bạn trẻ “check in” bởi khu Làng nổi Tân Lập hoang sơ. Đến Tân Lập, bạn không chỉ được khám phá con đường đal xuyên rừng tràm mà còn được chèo xuồng qua các con rạch, thỏa sức thả mình vào không gian yên tĩnh. Đến với Tân Lập, bao ồn ào của phố thị như được bỏ lại phía sau, nhường chỗ cho sự thư thái khi hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên. Lịch trình về Long An của chúng tôi lần này là 2 ngày. Ngày đầu tiên để khám phá Làng nổi Tân Lập và ngày thứ hai để tìm hiểu TP.Tân An.

Sau một ngày được thỏa thích với thiên nhiên vùng sông nước, TP.Tân An đón chúng tôi với cơn mưa dầm. Vượt chặng đường khá xa, đứa nào cũng mệt nhoài và lạnh cóng bởi cơn mưa cuối mùa. Sau khi về nhà nhỏ bạn cất ít đồ và vệ sinh cá nhân, cả nhóm thống nhất đi ăn mì cay cho đỡ lạnh. Đây là món ăn nổi tiếng của Hàn Quốc đang “làm mưa làm gió” tại Việt Nam. Mì cay hầu như có mặt ở tất cả các địa phương và trở thành món ăn quen thuộc của giới trẻ. Tùy khẩu vị vùng, miền và tùy sở thích của mỗi người mà có nhiều món mì cay: Mì hải sản, mì bò, mì kim chi,... Món mì ngon hay dở tùy thuộc vào nước dùng, cách nêm nếm của mỗi quán và nhất định không thể thiếu bột ớt Hàn Quốc. Tùy thực khách mà độ cay được gia giảm cho phù hợp và được chia làm 7 cấp độ. Sợi mì được các quán sử dụng là mì udon từ Hàn Quốc với sợi to, dai,... Lần này đến Tân An, nhóm chúng tôi được thưởng thức mì cay cua. Quán nhỏ nằm trên đường Hùng Vương, một trong những con đường trung tâm của TP.Tân An. Món chủ lực của quán là mì cay, ngoài ra còn một số món ăn vặt của Hàn Quốc cũng khá thu hút các bạn trẻ, phải kể đến là món kimbap (cơm cuộn), bánh gạo cay,...

Hơn 10 phút chờ đợi, từng tô mì được bưng ra, ấn tượng nhất là nguyên con cua đỏ au bên trên như choáng hết tô mì. Cua chắc thịt, nước dùng thanh, quyện với vị chua của kim chi, vị cay của ớt bột, thêm bông cải xanh, bắp cải tím bào nhuyễn, nấm kim châm,... Giữa cơn mưa lâm râm, thưởng thức món mì cay để cảm nhận vị cay nồng ngay đầu lưỡi, vị ngọt thanh của nước dùng và dai dai của mì udon. Thường các quán bán mì hải sản, mì bò, mì xúc xích nên mì cua được xem là một điểm khác biệt. Vừa “lửng” bụng với món mì cay, cả nhóm quyết định thử thêm món kimbap. Cũng là cơm cuộn nhưng cuộn kimbap của Hàn Quốc thường to hơn, cắt khoanh mỏng hơn so với món sushi của Nhật Bản. Điều khác biệt nữa là phần cơm của kimbap được trộn muối và dầu mè nên có độ béo. Chế biến món kimbap cũng khá dễ. Trải một lá rong biển lên miếng cuốn bằng tre, cho phần cơm vào trước, tán đều, tiếp đó cho cá, trứng chiên, thanh cua, xúc xích, dưa leo, cà rốt,... vào cuộn tròn sao cho khoanh cơm thật chặt, sau đó cắt ra từng khoanh nhỏ, bày lên dĩa. Kimbap được chấm với tương ớt trộn mayonnaise. Món ăn tuy đơn giản nhưng lại thu hút nhiều người, nhất là các bạn trẻ bởi sự hòa quyện của các hương vị làm nên “linh hồn” cho món ăn xứ sở kim chi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Rời quán ăn Hàn Quốc, chúng tôi được “thổ địa” của nhóm hướng dẫn đến một số khu vui chơi, giải trí tại TP.Tân An và không quên thưởng thức món bánh tráng trộn, món ăn làm nên “thương hiệu” của Long An.

Sáng cuối tuần, TP.Tân An như nhộn nhịp hơn, đô thị nhỏ nằm cạnh TP.HCM nhưng vẫn toát lên những nét riêng với khu chợ bày bán đặc sản quê. Mùa này, bông điên điển “nhuộm” vàng một góc chợ. Cô bạn liếng thoắng: “Bông biên điển mà nấu canh chua cá linh thì ngon phải biết! Mà thôi, món đó để dành buổi trưa, còn giờ ăn bún cá Xiêm Lo thử nhé!”. Món bún cá nghe quen mà lạ, thì cũng là bún nấu với cá nhưng cách nấu được “du nhập” từ Campuchia. Theo cô bạn tôi, lúc trước, món bún cá chỉ có ở Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, nhưng vài năm gần đây, một số người mang hương vị của xứ sở Chùa Tháp về với Tân An. Đây là món ăn quen thuộc của người Khmer, được nấu từ cá lóc và bún. Nước dùng được nấu hoàn toàn từ cá nên chỉ có vị ngọt của cá. Và gia vị không thể thiếu của món bún cá là nghệ. Ban đầu, vài người sẽ thấy khó ăn vì mùi nghệ nhưng nếu thử thưởng thức thêm lần nữa sẽ thích thú với món ăn quen thuộc của những người dân nước bạn. Ăn kèm với bún cá có rau kèo nèo cắt nhỏ, rau muống bào. Vào mùa nước nổi, người bán còn cho thêm bông điên điển như muốn giới thiệu với du khách đặc sản của miền sông nước. Không như những món ăn khác được chấm với nước mắm hoặc nước tương, cá trong món bún Xiêm Lo được chấm với muối ớt chanh. Hương vị lạ và đặc biệt của món ăn bình dân này mãi “vấn vương” những ai đã một lần nếm thử bởi chính sự mộc mạc, bình dị nhưng đậm đà.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hai ngày để trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên và những món ăn nước bạn trên chính mảnh đất Long An mang đến cho chúng tôi nhiều điều thú vị và tự hứa rằng sẽ quay lại mảnh đất này thôi, vào một ngày không xa lắm!

Phương Trinh

Chia sẻ bài viết


Chivas 18 Mizunara chính hãngKhám phá Vietnamese Food