Tiếng Việt | English

30/09/2021 - 13:48

Vệ tinh NanoDragon và giấc mơ không gian của người Việt

Ngày 1/10/2021, vệ tinh NanoDragon - vệ tinh được thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam sẽ bay lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao 560km tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, Kagoshima, Nhật Bản.


Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam chính thức bàn giao cho Nhật Bản ngày 17/8/2021. (Ảnh: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam)

Ngày 1/10/2021, vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao 560km tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, phía Nam Nhật Bản.

Điều này giúp ước mơ chinh phục không gian, làm chủ vũ trụ, phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia và bảo vệ môi trường đang được Việt Nam hiện thực hóa từng phần bằng việc chế tạo thành công các vệ tinh cỡ nhỏ và xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học vũ trụ có khát vọng vươn lên...

Sẵn sàng phóng vệ tinh NanoDragon lên quỹ đạo

NanoDragon là vệ tinh được thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam và là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ “made in Vietnam” của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 04/02/2021.

Nói về quá trình hình thành và phát triển vệ tinh NanoDragon, Tiến sỹ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc VNSC cho biết, ý tưởng về sản xuất vệ tinh này đã có từ năm 2014. Tiếp đó, trong khoảng 4 năm từ năm 2017-2021, gần 20 nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu đã thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng của vệ tinh này.

Vệ tinh NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, nặng khoảng 4kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5mm).

NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020.”

Quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, do các cán bộ nghiên cứu của VNSC đảm nhận.

Vệ tinh NanoDragon được phát triển với các mục đích: làm chủ công nghệ phát triển hệ thống vệ tinh nhỏ của Viện Nam; Thử nghiệm hệ thống, công nghệ chùm vệ tinh siêu nhỏ có thể thu tín hiệu, nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System-AIS) để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển; hoàn thiện hiệu chỉnh, chất lượng hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh. Vệ tinh NanoDragon dự kiến hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km.

Sau khi hoàn thành quá trình chế tạo, tích hợp và thử nghiệm chức năng tại Việt Nam, từ ngày 9/3 đến 9/4/2021, vệ tinh đã hoàn thành thử nghiệm môi trường trước phóng tại Trung tâm Thử nghiệm vệ tinh nhỏ, Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản.

Sau khi thử nghiệm tại Nhật Bản, vệ tinh lại quay trở lại Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện. Song song với quá trình phát triển vệ tinh, một trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng đã được phát triển và hoàn thành việc lắp đặt tại VNSC, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hiện tại, trạm mặt đất đã sẵn sàng hoạt động.

Vệ tinh NanoDragon. (Nguồn: VNSC)

Ngày 11/8 vừa qua, vệ tinh NanoDragon đã được chuyển đi từ sân bay Nội Bài đến sân bay Narita, Tokyo. Sau đó, vệ tinh được chuyển về bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima và được bàn giao cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật bản (JAXA) để phóng lên vũ trụ.

Giấc mơ không gian của người Việt

Lịch sử hình thành của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam phải kể từ khi Anh hùng Phạm Tuân là người châu Á đầu tiên du hành trong vũ trụ vào năm 1980. Tới năm 2006, Thủ tướng đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” trong đó có nội dung quan trọng là chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất “Made in Vietnam.”

Kể từ chuyến bay của Anh hùng Phạm Tuân vào vũ trụ - thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là các nhà nghiên cứu của VNSC đã tiếp bước thực hiện “giấc mơ bay” của Việt Nam.

Năm 2007, Việt Nam đã hợp tác với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để khởi động dự án vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon. Đây được coi là bước đi đầu tiên cho quá trình phát triển vệ tinh của Việt Nam.

Năm 2008, Việt Nam phóng VINASat-1, vệ tinh viễn thông đầu tiên vào không gian. Năm 2013, VNREDSat-1, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên đã được phóng lên quỹ đạo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ Vũ trụ giai đoạn 2016-2020 đã có vai trò rất quan trọng trong Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020.

Thông qua việc xây dựng, triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về công nghệ vũ trụ, sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao, tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ vũ trụ ngang tầm với khu vực và thế giới, làm tiền đề, thực hiện thành công Chiến lược, đưa công nghệ vũ trụ trở thành công cụ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ chế tạo

Năm 2013, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon. Đây là vệ tinh “Made in Vietnam” đầu tiên hoạt động thành công trong quỹ đạo không gian.

Năm 2019, vệ tinh 50kg đầu tiên do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo - vệ tinh MicroDragon đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản.

Việc phóng thành công vệ tinh MicroDragon đã cho thấy được đội ngũ chuyên gia của nước ta đã từng bước làm chủ công nghệ ở tất cả các khâu, từ phân tích yêu cầu của vệ tinh, thu thập các yêu cầu của ngành liên quan, đến thiết kế nhiệm vụ vệ tinh, yêu cầu linh kiện và lắp ráp, tích hợp để hoàn thành chức năng vệ tinh, chế tạo hệ thống mặt đất...

MicroDragon là vệ tinh quang học, được trang bị ống kính quang học 12 bước sóng, hoạt động trên 12 dải phổ (VINASat-1 chỉ có 4 dải phổ), thích hợp quan sát ngoài biển, quan sát “màu đại dương” để giúp có những đánh giá về ngư trường, định vị nguồn thuỷ sản hoặc nhận biết những thảm hoạ môi trường lớn, chẳng hạn tràn dầu.

Nhưng ý nghĩa lớn nhất của việc chế tạo thành công MicroDragon là nằm ở mục đích đào tạo, thể hiện người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được vệ tinh, và thực sự chúng ta đã làm được.

Theo lộ trình, tiếp theo MicroDragon là vệ tinh NanoDragon được lắp ráp, thiết kế hoàn toàn tại Việt Nam.

Và thời gian tới, vệ tinh LOTUSat-1 - 570kg được Nhật Bản chế tạo thông qua dự án VNSC, dự kiến được đưa lên quỹ đạo vào cuối năm 2023, sẽ là vệ tinh quan sát trái đất sử dụng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ chế tạo, ứng dụng vệ tinh quan sát trái đất. LOTUSat-1 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và rất phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà khoa học tại VNSC còn có nhiều sản phẩm về ứng dụng công nghệ vũ trụ, như: cơ sở dữ liệu vệ tinh Vietnam Datacube, các hệ thống theo dõi mất rừng nhanh, giám sát rừng, giám sát lúa, giám sát lũ lụt; các hệ thống thông tin nông nghiệp sử dụng công nghệ vũ trụ kết hợp với các trạm đo sử dụng thiết bị internet vạn vật (IoT) giúp giám sát thời gian thực...

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Huy, để đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà công nghệ cao, thông tin, dữ liệu... trở thành vũ khí cạnh tranh giữa các quốc gia, chúng ta cần có vệ tinh riêng của mình để có thể chủ động, trước hết là về hình ảnh; chúng ta làm chủ công nghệ, có thể từng bước chế tạo vệ tinh phục vụ mục đích của Việt Nam và cải tiến để tiết kiệm hơn đi mua. Đồng thời có thể tăng cường mức độ bảo mật thông tin.

Để phát huy những thành quả đạt được cũng như tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học-công nghệ Vũ trụ trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Minh Chung, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ Vũ trụ giai đoạn 2016-2020, cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, quy trình đề xuất và xác định nhiệm vụ khoa học-công nghệ trong các lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ cao (như công nghệ vũ trụ), phát huy hơn nữa trí tuệ và năng lực sáng tạo của các nhà khoa học, nâng cao chất lượng của các đề tài nghiên cứu.../.

Thông tin về vệ tinh NanoDragon:

NanoDragon (NDG) là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được VNSC phát triển. Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020.” Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC.

Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km.

NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam và là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển Vệ tinh nhỏ “Made in Vietnam” của VNSC nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030” mà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 04/02/2021.

(Vietnam+)

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích