Tiếng Việt | English

01/06/2022 - 05:15

Vì những 'mầm xanh' của đất nước

Trẻ em được ví như những “mầm xanh” của đất nước, các em cần được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tốt để có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có em phải sớm mưu sinh, có em phải bỏ học giữa chừng. Chung tay chăm sóc để những trẻ có hoàn cảnh khó khăn được phát triển như bao đứa trẻ khác không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng mà cần lắm sự quan tâm của tất cả mọi người.

Khi mái ấm gia đình không còn là nơi an toàn

Gia đình là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, điểm tựa vững chắc của trẻ em. Tuy nhiên, một số trường hợp các em lại bị bạo hành từ chính những người thân của mình. Nhắc đến trường hợp trẻ em bị bạo hành chắc không ai quên được câu chuyện bé V.A. (TP.HCM) bị chính mẹ kế bạo hành trong một thời gian dài dẫn đến tử vong. Điều đau lòng hơn là chính cha của V.A. biết chuyện con bị bạo hành nhưng lại bao che cho việc làm của mẹ kế. Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM vừa truy tố người mẹ kế trong vụ án trên về tội giết người. Cha của V.A cũng bị truy tố về tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm.

Một vụ việc đau lòng khác xảy ra tại Hà Nội khi bé N.A. bị người tình của mẹ hành hạ với hành vi cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt ốc, vít và đỉnh điểm là bé đã bị đóng 9 cây đinh vào hộp sọ dẫn đến tử vong. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố bị can của vụ án trên. Qua các vụ việc cho thấy, phần lớn trẻ em bị bạo hành đều từ những người thân, người quen. Gia đình được xem là điểm tựa, nơi nuôi dưỡng, giáo dục và chốn bình yên nhất của mỗi người nhưng với một số em thì đó là nơi khởi nguồn những tháng ngày phải sống trong đau đớn, bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Theo thống kê, tại Long An, trong năm 2021, có 371.541 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 38 trẻ em bị xâm hại tình dục, 679 trẻ sống trong gia đình có vấn đề xã hội (cha, mẹ ly hôn, bạo lực, người có nhiễm HIV/AIDS). Những con số này cho thấy, phần lớn trẻ em được sống bình yên trong gia đình nhưng vẫn còn một phần nhỏ các em có hoàn cảnh đặc biệt, có em không được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi cha mẹ.

Trẻ em cần được chăm sóc, nuôi dưỡng từ gia đình để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần (Ảnh: Hữu Tuấn)

Cần lắm sự gắn kết!

Khi đợt dịch Covid-19 đi qua, 141 trẻ em ở Long An phải chịu cảnh mồ côi, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong những ngày đầu tháng 3/2022, gia đình em N.T.H.T. (ấp Bình Khương, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) phải gánh chịu nỗi đau quá lớn khi mẹ em ra đi vì Covid-19. Trước đó, năm 2020, cha em đã qua đời vì căn bệnh ung thư. Bỗng chốc 3 chị em H.T. trở nên mồ côi trong khi đứa em út chỉ mới 7 tuổi. Mất cha, mất mẹ, chị em H.T. phải nương nhờ bà ngoại mà bà cũng chẳng khá giả gì, đang phải sống trong cảnh “nhà dột cột xiêu”. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, sự giúp đỡ của mạnh thường quân, gia đình H.T. có được căn nhà mới và 3 đứa trẻ mồ côi được hỗ trợ một khoản tiền để lo cho những ngày sắp tới.

Chính nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của địa phương, ngành chức năng và nhà hảo tâm mà những trường hợp trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm của xã hội thì gia đình vẫn đóng vai trò quyết định trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Gia đình được xem là tế bào của xã hội, nơi nuôi dưỡng mỗi con người, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Điểm lại các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại phần lớn xuất phát từ những gia đình không trọn vẹn. Thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, trẻ không những không được phát triển toàn diện mà còn đối diện với nhiều nguy cơ. Trẻ em không thể tự bảo vệ mình, nhất là đối với những trẻ nhỏ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng của người lớn nên nếu thiếu sự quan tâm của gia đình, các em rất dễ trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo lực.

Ngoài các trường hợp trẻ em mồ côi cần sự quan tâm nhiều hơn của địa phương, ngành chức năng, còn lại các em phải được chăm sóc, giáo dục từ gia đình. Một bài học lớn mà cha mẹ có con trong tuổi vị thành niên cần rút ra là đừng để con cảm thấy lạc lõng ngay trong chính gia đình mình. Nhiều bậc cha mẹ do tính chất công việc và những áp lực cuộc sống nên ít quan tâm đến các con, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ và dễ dẫn đến căn bệnh trầm cảm học đường. Gần đây, trường hợp một nam sinh ở Hà Nội nhảy từ tầng 28 của một chung cư sau khi để lại thư tuyệt mệnh khiến nhiều người xót xa. Hành động của em có thể là bộc phát nhưng những tổn thương và bế tắc đã tích tụ lâu ngày mà không thể giãi bày, chia sẻ với ai. Qua vụ việc, nhiều bậc cha mẹ cũng nhìn nhận lại và thấy rằng đối thoại trong mỗi gia đình rất quan trọng. Thực trạng hiện nay trong những gia đình hiện đại là việc đối thoại giữa các thành viên ngày càng ít hơn, bởi áp lực của công việc và cuộc sống, mọi người dành phần lớn thời gian để làm việc, học tập nên sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau bị hạn chế. Trong khi đó, có đối thoại mới hiểu nhau, thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ! Đó là thông điệp chung của nhân loại. Nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm không chỉ của mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội để những “mầm xanh” của đất nước được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết