Tiếng Việt | English

01/09/2017 - 20:47

Vì sao bóng đá Hà Lan ngày càng thụt lùi?

Không chỉ cơ hội dự World Cup 2018 gần như không còn, “cơn lốc màu da cam” Hà Lan còn có nguy cơ vắng bóng ở các đấu trường lớn nhiều năm nữa.

 

Robben (áo cam) dù rất nỗ lực nhưng vẫn không thể giúp Hà Lan tránh được thất bại trước Pháp. Ảnh: Reuters

Thua Pháp 0-4 ở Paris, cánh cửa đến World Cup 2018 xem như đóng lại với Hà Lan. Sự trở lại lần thứ ba với tư cách HLV trưởng đội tuyển Hà Lan của ông Dick Advocaat không mang lại sự màu nhiệm nào hết. Không phải vận đen trên sân nhà và sự yếu kém của HLV trước đó là Danny Blind khiến “cơn lốc màu da cam” không còn nổi lên nữa, mà là bởi cả nền bóng đá Hà Lan đã đi xuống.

Cách đây 15 năm, các cầu thủ người Hà Lan là ngôi sao ở các đội bóng hàng đầu châu Âu. Giờ đây rất hiếm tài năng trẻ Hà Lan được săn đón. Memphis Depay không trụ được tại Manchester United, bị bắn sang Lyon và đội bóng Pháp bây giờ đã thấy hơi tiếc khi mua Depay. Tiền đạo chủ công của đội tuyển Hà Lan Vincent Janssen thì dự bị dài dài ở Tottenham. Mùa trước, anh chỉ ghi 2 bàn trong 24 lần ra sân ở Premier League, đều từ chấm phạt đền.

Năm qua, nhiều cầu thủ Hà Lan ra nước ngoài không được, đang hồi hương, như Marco Van Ginken, Tim Krul, Kevin Diks… Những cầu thủ đang thành đạt ở nước ngoài hiện tại đều thuộc trường phái cơ bắp như Kevin Strootma, Georginio Wijnaldum, Virgil van Dijk. Hàng công Hà Lan tiếp tục phải dựa vào những lão tướng như Arjen Robben, Wesley Sneijder và mới gọi lại Robbie Van Persie hai năm sau khi anh tuyên bố từ giã đội tuyển Hà Lan.

Thời kỳ từ năm 1970 đến 2000, Hà Lan được xem như đất nước đổi mới sáng tạo nhất trong bóng đá, luôn đi trước người khác trong suy nghĩ. Hệ thống đào tạo trẻ của họ luôn cho ra những sản phẩm tuyệt vời, từ thế hệ Johan Cruyff đến thế hệ Marco Van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard, rồi đến thế hệ Clarence Seedorf, Edgar Davids, và thế hệ Robben, Sneider, Van Persie.

Nỗi thất vọng của các cầu thủ Hà Lan (áo cam) sau khi để thua đậm Pháp. Ảnh: Reuters

Nhưng khi họ dẫn đầu thì họ bắt đầu lười biếng. Cruyff, người phát minh ra bóng đá Hà Lan cùng HLV huyền thoại Rinus Michel, sau này ngăn chặn mọi ý tưởng cập nhật sự tiến bộ, đặc biệt trong công tác huấn luyện thể lực. Ông cố định bóng đá Hà Lan trong ý tưởng ông nghĩ ra, mặc kệ các nước khác tìm phương kế mới.

Kết quả là giải vô địch Hà Lan đang trình diễn thứ bóng đá rất chậm, các cầu thủ có quá nhiều thời gian với trái bóng, và với cầu thủ như Depay, việc rời Hà Lan đến chơi ở Premier League như một cú sốc. Marten de Roon, cầu thủ có một mùa chơi cho Middlesborough nhận xét rằng tốc độ chơi bóng ở Premier League gấp 10 lần tốc độ chơi bóng ở Hà Lan.

Rory Campbell, trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật của CLB West Ham, trong một lần đi tuyển mộ cầu thủ ở Hà Lan cho rằng nhìn họ chơi bóng như vậy ở Hà Lan, rất khó để họ thành đạt tại những nơi cạnh tranh cao như nước Anh. Bỉ là nơi tin cậy hơn để tuyển mộ cầu thủ. Bỉ cũng là đất nước nhỏ bé, bóng đá của họ đã chạm đáy 10-15 năm trước, nhưng họ biết học, biết cần mẫn sao chép những cái hay từ các nước láng giềng Đức, Pháp, Hà Lan, để bây giờ Bỉ có một dàn cầu thủ rất hay, đánh thuê toàn ở những CLB hàng đầu Premier League.

Hà Lan vài năm trước cũng có thành công, nhưng đều là nhờ những gì còn sót lại từ thế hệ tài hoa Robben. Họ đứng á quân World Cup 2010 với lối chơi cơ bắp, xấu xí HLV Bern van Marwijk, họ đứng thứ ba World Cup 2014 với sự thực dụng của Louis van Gaal.

Nhưng giờ thì hết rồi, họ không được dự Euro 2016, gần như không có vé dự World Cup 2018 và còn lâu mới trở lại là một ông lớn của bóng đá thế giới. Sự kiêu ngạo khiến họ ngừng tư duy, ngừng suy nghĩ để bây giờ là thụt lùi./.

Theo Thái Hà/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết