Tiếng Việt | English

08/04/2021 - 09:23

Vì sự an toàn trên những tuyến đường

Là địa bàn giáp với TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam bộ, có nhiều công ty, xí nghiệp hoạt động nên mật độ người, phương tiện lưu thông trên hệ thống giao thông đường bộ qua địa bàn tỉnh Long An rất đông đúc. Với áp lực lớn như thế, trật tự, an toàn giao thông (ATGT) ở tỉnh diễn biến phức tạp và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) luôn rình rập.

Đầu tư và kịp thời sửa chữa, khắc phục những bất cập, hư hỏng ở các tuyến đường

Đầu tư và kịp thời sửa chữa, khắc phục những bất cập, hư hỏng ở các tuyến đường

Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông vẫn luôn tiềm ẩn

Qua phân tích, đánh giá của ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân gây TNGT như không chấp hành pháp luật về giao thông, chạy lấn làn, vượt ẩu, quá tốc độ, phương tiện kỹ thuật không bảo đảm an toàn. Một trong những lỗi vi phạm vẫn xảy ra nhiều trên các tuyến đường là điều khiển phương tiện đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe.

Chỉ riêng năm 2020, toàn tỉnh đã khởi tố 107 vụ, 107 bị can do vi phạm trong lĩnh vực ATGT gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Năm 2020, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 2.000 trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, ra quyết định xử phạt hơn 10,1 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.537 trường hợp; tạm giữ gần 2.000 phương tiện các loại. Dù vậy, con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Ngoài lỗi chủ quan, không chấp hành pháp luật về giao thông thì kết cấu hạ tầng giao thông còn những hạn chế, hư hỏng chưa được khắc phục, sửa chữa cũng là một nguyên nhân. Thực tế, trên địa bàn tỉnh, kết cấu hạ tầng giao thông những năm qua được đầu tư lớn và cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, có những tuyến đường quan trọng đưa vào khai thác đã lâu, hiện nay mặt đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, hư hỏng, kết nối không đồng bộ, hệ thống cống thoát nước không có, biển báo, đèn đường còn bất cập nhưng chưa được khắc phục.

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, hiện có những công trình đưa vào sử dụng 10, 13 năm, xuống cấp nhưng vẫn chưa được duy tu, sửa chữa lớn mà vẫn phải chờ. Trong khi đó, nguồn vốn sự nghiệp giao thông bố trí cho công tác quản lý, bảo trì và sửa chữa các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, ở mức khoảng 80 tỉ đồng/năm, sau khi trừ tiết kiệm 10% còn 72 tỉ đồng/năm nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ngoài các tuyến đường tỉnh, tuyến Quốc lộ (QL) N2, QL62 trong hoàn cảnh tương tự. Những năm gần đây, mật độ người và phương tiện lưu thông qua 2 tuyến đường, nhất là xe trọng tải lớn chở hàng hóa gia tăng đột biến; vào những dịp lễ, tết, thường xuyên bị ùn tắc kéo dài. Thời gian qua, tỉnh nhiều lần kiến nghị Trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn và sớm tiến hành đầu tư nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường này. Ủy viên Thường trực Ban ATGT tỉnh - Phùng Văn On cho biết: “Mặt đường hẹp, hư hỏng, xuống cấp rất nhiều nên TNGT ở 2 tuyến QLN2 và QL62 cũng gia tăng. Có nhiều vụ xe tải, xe khách trượt ra lề đường lật ngửa xuống ruộng, trong đó có những vụ tai nạn dẫn đến chết người”.

Ngoài ra, câu chuyện lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ để buôn bán gây cản trở giao thông thường được nhắc đến. Nhiều tuyến đường ở gần các khu, cụm công nghiệp vẫn bị lấn chiếm nên giao thông ở đây vào buổi chiều rất lộn xộn và phức tạp. Nổi cộm và bức xúc nhất là Đường tỉnh 825, đoạn qua khu vực xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa. “Nguy cơ xảy ra TNGT ở đoạn đường này rất cao khi có nhiều người điều khiển phương tiện với tốc độ nhanh, qua đường ẩu. Nhiều người còn dựng xe máy ngay giữa lòng đường rồi với tay mua hàng” - tài xế xe tải Nguyễn Văn Hiếu, ngụ thị trấn Đức Hòa, phản ánh.

Cảnh sát giao thông giải quyết một vụ tai nạn giao thông

Cảnh sát giao thông giải quyết một vụ tai nạn giao thông

Tăng trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông

Tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ chằng chịt, trải dài, trong đó có những tuyến huyết mạch liên kết vùng như QL1, QL50, QL62, QLN2, cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều tuyến đường tỉnh kết nối với TP.HCM và gần các khu, cụm công nghiệp với áp lực chịu tải rất lớn. Những năm qua, với nhiều giải pháp thực hiện quyết liệt trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT, nhìn chung, TNGT trên địa bàn tỉnh được kéo giảm. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xảy ra 1.077 vụ TNGT, làm chết 588 người, bị thương 890 người. Nếu so với 5 năm liền kề trước đó, số vụ giảm 64,55%, người chết giảm 52,77%, người bị thương giảm 80,28%.

Tỉnh là một trong số ít địa phương trong cả nước được Ủy ban ATGT Quốc gia biểu dương vì giảm sâu cả 3 tiêu chí TNGT trong 5 năm. Đặc biệt, tỉnh nằm trong 5 địa phương của cả nước giảm trên 30% cả 3 tiêu chí TNGT của năm 2019 so với năm 2015. Dù vậy, TNGT đường bộ trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông Phùng Văn On thông tin: “Năm 2021, tỉnh đề ra mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí số vụ, người chết, bị thương vì TNGT từ 5-10% so với năm liền kề trước đó. Để thực hiện được, đòi hỏi người tham gia giao thông phải luôn nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Các cấp, các ngành thực hiện tốt vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với lĩnh vực ATGT”.

Thực tế cho thấy, nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của người đứng đầu, có nhiều giải pháp thiết thực, sát sườn nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về ATGT thì địa phương đó có nhiều chuyển biến tích cực trong kéo giảm TNGT. Liên quan đến trách nhiệm, vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT, đầu tháng 4-2021, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường phòng ngừa vi phạm pháp luật ATGT trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phân công cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng trong xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn. Tiếp tục quan tâm xây dựng, triển khai, thực hiện các mô hình bảo đảm ATGT có hiệu quả ở cơ sở, gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. “Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật ATGT với nhiều hình thức để người dân nắm bắt kịp thời, nêu cao ý thức tự giác chấp hành khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông” - chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Các lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Các lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Thực hiện chỉ đạo, Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương, CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Thông tin từ Phòng CSGT cho biết, hiện đơn vị chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, chở hàng hóa quá tải trọng, cồng kềnh.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung cho biết: “Cùng với việc triển khai, thực hiện các dự án giao thông mới, Sở thường xuyên kiểm tra, rà soát để có giải pháp kịp thời giải quyết, xử lý những bất cập hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét. Sở cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu đơn vị thi công phải lưu ý, thực hiện nghiêm công tác bảo đảm ATGT như có rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo, hướng dẫn để người đi đường biết”.

Ngoài ra, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp hiệu quả các ngành, địa phương và đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ. Siết chặt công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng ôtô trên địa bàn; quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại các trung tâm đào tạo./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết