Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 14:00

Viết tiếp bài ca người anh hùng

Cách đây hơn 20 năm, tôi về xã Mỹ An Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An viết bài về “vua” sản xuất lúa giống - Dương Văn Hữu nổi tiếng lúc bấy giờ. Cuối năm 2017, trở lại xã Mỹ Phú (tách từ Mỹ An Phú), Anh hùng thời kỳ đổi mới Dương Văn Hữu về cõi âm nhưng con, cháu ông với tâm thế của thời hiện đại vẫn viết tiếp bài ca mà ông, cha từng tiên phong khởi nghiệp.

Hổ phụ sinh hổ tử

Dưới bóng mát cây xoài bên góc ruộng trồng dưa hấu theo chuẩn VietGAP, anh Dương Hồng Ân - con trai lớn của ông Dương Văn Hữu - Anh hùng thời kỳ đổi mới, xởi lởi kể câu chuyện sản xuất lúa giống xác nhận chất lượng cao theo sự hướng dẫn, chỉ dạy của cha từ những năm 80 (thế kỷ XX). Ngoài sản xuất lúa giống, từ năm 1987, với diện tích canh tác 1,3ha, vợ chồng anh Ân mạnh dạn luân canh, 1 năm sản xuất 2 vụ lúa giống và 1 vụ dưa hấu. “Việc luân canh lúa - dưa không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn giúp cải tạo đất để thích nghi các loại cây trồng, phù hợp điều kiện thời tiết từng niên vụ” - anh Ân giải thích. Không sản xuất rập khuôn 1 năm 2 vụ lúa, 1 vụ dưa mà tùy theo nhu cầu thị trường, vợ chồng anh Ân linh hoạt, có thể trồng 2 vụ dưa và 1 vụ lúa Đông Xuân trong năm để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. “Năm 2017, tôi luân canh 2 vụ dưa, 1 vụ lúa; thu hoạch dưa đạt 30 tấn/năm, còn vụ lúa Đông Xuân năng suất bình quân 8 tấn/ha. Nếu tính cả lúa và dưa, tôi lời gần 200 triệu đồng/1,3ha đất”.

Tổ viên Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xác nhận trao đổi kỹ thuật chăm sóc giai đoạn lúa đón đòng

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phú - Đỗ Hữu Huy cùng anh Ân đưa chúng tôi ra ruộng dưa hấu mà vợ anh Ân đang chăm sóc, chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán. Ông Hữu Huy giới thiệu: “Đây là mô hình trồng dưa hấu theo hướng VietGAP. Từ mô hình này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa tổ chức hội thảo, nhân rộng để nông dân tham khảo, rút kinh nghiệm và áp dụng”. Để mô hình trồng dưa hấu VietGAP đạt hiệu quả, anh Ân liệt kê chi tiết quy trình canh tác, từ khâu làm đất, chọn hạt giống đến kỹ thuật tỉa hạt, chăm sóc và bảo quản sản phẩm khi thu hoạch. Hỏi về phương pháp trồng dưa hấu VietGAP, anh Ân chân thành: “Ngoài phân vi sinh được khuyến cáo sử dụng, tôi nghiên cứu và tạo ra chế phẩm phun trên cây dưa, vừa phòng trừ sâu, bệnh lại bảo đảm an toàn”. Những nguyên liệu tạo ra chế phẩm mang “nhãn hiệu độc quyền” rất đơn giản. Đó là ớt cay, tỏi, hành tím và rượu trắng tương ứng tỷ lệ: 1 + 1 + 1 (đơn vị tính ký) + 2.000ml rượu. Tỏi, ớt, hành giã nhuyễn, đem ngâm với rượu, 2 ngày sau lọc, cho vào bình phun dung tích 5.000ml để phun. “Suốt vụ dưa hấu, vợ chồng tôi phun 4 lần, giá thành 50.000 đồng/lần phun. Phương pháp này vừa rẻ, vừa hiệu quả lại bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người sử dụng” - Dương Hồng Ân giải thích.

Theo dấu người xưa

Men theo con đường bêtông dài 1km mà người dân ấp 2 đóng góp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chúng tôi đến thăm Tổ hợp tác (THT) Sản xuất lúa giống xác nhận ở ấp 2 do anh Nguyễn Văn Minh làm Tổ trưởng. Đang ngồi trên bờ ruộng, khom người tỉa một nhánh lúa, tổ viên Nguyễn Văn Định nói: “Nhìn bụi lúa tròn vo, xanh mởn, vụ Đông Xuân này đạt năng suất 10 tấn/ha là cái chắc!”. Vui lây với các tổ viên THT, chúng tôi cũng ngồi xuống, nghe anh Định giới thiệu quy trình sản xuất giống lúa nếp IR xác nhận chất lượng cao, cung cấp cho nông dân trong tỉnh và một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nói về khâu gieo mạ, anh Định cho biết, lúa giống sau khi được xử lý, dùng bạt (nhựa) trải trên nền sân gạch, quét lớp bùn non lên mặt bạt, rải xơ dừa qua xử lý lên bùn non rồi rắc lúa giống. Rắc xong lúa giống, phủ lớp xơ dừa thứ hai. Công đoạn cuối cùng là lấy mùng lưới che phủ toàn bộ diện tích giống gieo trên bạt để côn trùng không xâm nhập, khi phun nước tưới, mầm giống không bị giập. “Cách này gọi là gieo mạ manh” - anh Định nói. Sau 13 ngày, dùng dao nhỏ cắt từng mảng giống trên giá thể bùn và xơ dừa diện tích 0,25m2, cuộn bỏ vào thùng, mang ra ruộng giâm 1 ngày, hôm sau tỉa; cứ 4 tép mạ cấy thành một bụi lúa. 10 ngày lúa bén chân, bón phân đợt đầu, 20 ngày sau bón đợt hai; 45 ngày bón đón đòng.

Tổ viên Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xác nhận trao đổi kỹ thuật chăm sóc giai đoạn lúa đón đòng

Trong quá trình canh tác, anh Định và các thành viên THT áp dụng quy tắc “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 6 giảm” do ngành Khuyến nông khuyến cáo để đạt mục đích tăng năng suất, hạ giá thành, bảo đảm chất lượng. Tổ trưởng Nguyễn Văn Minh phấn khởi, nói thêm: “Mô hình sản xuất lúa nếp giống IR xác nhận, chất lượng cao mà các thành viên THT áp dụng được nhân rộng trong tỉnh. Tháng 7-2017, khi dự hội thảo về kỹ thuật sản xuất lúa giống của THT, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao kết quả của chúng tôi”. Theo tính toán của các thành viên THT, doanh thu 1ha sản xuất lúa nếp giống IR xác nhận chất lượng cao theo quy trình cao hơn 15 triệu đồng so với sản xuất bình thường.

Trở lại câu chuyện khởi nghiệp sản xuất lúa giống và ước mơ thành lập THT trước khi nâng lên hợp tác xã của Tổ trưởng - Anh hùng Dương Văn Hữu cách đây hơn 20 năm, Tổ trưởng THT - Nguyễn Văn Minh thổ lộ: “Kế thừa kết quả THT lúa giống của bác Hai Hữu, trên cơ sở 12 thành viên ban đầu được bác tập hợp, năm 2011, chúng tôi củng cố, phát triển lên 26 thành viên, chất lượng hoạt động của tổ ngày càng nâng lên”. Mỗi thành viên THT tự nguyện góp vốn ban đầu 3 triệu đồng/người để hợp tác mua máy cày, máy ban đất, máy ủi. Sau mỗi vụ lúa, từng thành viên lại tự nguyện góp 5 triệu đồng để phát triển đàn bò sinh sản theo hình thức hỗ trợ xoay vòng không có lãi. Những trường hợp khó khăn, THT ưu tiên nhận vốn trước để mua bò. Đến cuối năm 2017, THT giúp được 4 hộ mua bò. “Cảm ơn bác Hai Hữu có công khởi nghiệp sản xuất lúa giống xác nhận chất lượng cao để hôm nay, thế hệ con, cháu tiếp tục phát huy và nâng cao, tạo ra hạt giống không chỉ bảo đảm chất lượng mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu” - Tổ trưởng Nguyễn Văn Minh chia sẻ./.

"Nông dân xã Mỹ Phú biết kế thừa, phát huy nghề sản xuất lúa giống xác nhận chất lượng cao mà cố Anh hùng Lao động Dương Văn Hữu có công khởi nghiệp. Hơn thế, nông dân cũng đang thử nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo phương pháp hiện đại của Israel để trồng ổi, ớt và cà dây nhằm thay đổi cơ cấu giống cây trồng, thích ứng biến đổi khí hậu".

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa - Đoàn Văn Tứ

Khuynh Diệp

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích