Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

"Việc hỏi dân, nghe dân về nhân sự Trung ương là rất cần thiết"

"Chọn được những người ưu tú vào Trung ương thì cùng với trách nhiệm của các tổ chức Đảng và đảng viên, việc hỏi dân, nghe dân là rất cần thiết...”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những tiêu chuẩn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI vừa qua.
PV: Thưa ông, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm như: Tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải…”. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn về khái niệm “tham vọng quyền lực” ở đây phải hiểu như thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Theo tôi, quyền lực là quyền được quyết định, quyền được phán xét, ra lệnh. Như bố mẹ có quyền lực đối với con cái, bắt con phải làm việc này, việc khác. Thủ trưởng cơ quan có quyền quyết định nhiều vấn đề của cơ quan và đối với từng cơ quan thì đều có quyền lực riêng. Những người lãnh đạo đất nước cũng có quyền được quyết định, phán xét như vậy. 

Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI (Ảnh: Vũ Duy)

Nhưng nếu quyền lực không được giám sát thì dễ dẫn đến quyền lực không có giới hạn. Mà quyền lực không có giới hạn thì sẽ gây ra tình trạng lộng quyền, chuyên quyền độc đoán, rất nguy hiểm trong công tác lãnh đạo quản lý, phản dân chủ. Quyền lực thường gắn với quyền lợi hay nói thẳng ra là gắn với tiền. Chính vì vậy, Tổng Bí thư lưu ý điều này là rất thỏa đáng.

PV: Dư luận rất đồng tình với những tiêu chuẩn đặt ra đối với Ủy viên Trung ương khóa tới nhưng lại lo lắng về việc thực hiện ra sao? Làm thế nào để phát hiện và loại bỏ cán bộ xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm. Và ai, lực lượng nào sẽ đảm bảo thực thi mới là điều quan trọng, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Băn khoăn của dư luận về việc này là đúng. Quyết tâm của Trung ương là phải loại bỏ những người thiếu phẩm chất, thiếu năng lực không tham gia vào cơ quan lãnh đạo là rất đúng, nhưng bằng cách nào? Tôi nghĩ Trung ương đã có phương án. Song quan trọng, Trung ương phải là người nêu gương vì Trung ương ra quyết định này. Bằng trách nhiệm, quyền lực, Trung ương đã ra Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 11 thì Trung ương phải có trách nhiệm chọn được những người đạt được tiêu chuẩn đặt ra.

Theo đó, từng thành viên của Trung ương phải là những người trung thực, khách quan, vô tư và có trình độ phân tích để nhận thức về một con người. Vì như chúng ta đã biết “nhân vô thập toàn” – không ai hoàn hảo cả, nhưng bằng nhận thức, mặc dù biết họ có những khiếm khuyết nhưng họ thực sự là những con người toàn tâm, toàn ý vì nước, vì dân.

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

(Ảnh: Công Hân)

Một Ủy viên Trung ương Đảng trở lên hay người nào muốn tham gia vào đội ngũ lãnh đạo phải có những tiêu chuẩn như đã nêu, và bây giờ phải đối chiếu vào đó. Nếu chọn nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương thì đích thân Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Trung ương phải đứng ra. Tất nhiên, Trung ương còn có các ban tham mưu như Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Nội chính, Ban Tuyên giáo…, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy. Như vậy, toàn Đảng phải có trách nhiệm.

Nếu như các đảng viên có trách nhiệm với Đảng thì thấy ở đâu có những người không xứng đáng thì phải báo cáo với Đảng. Tôi hy vọng kỳ này, Trung ương sẽ thiết lập các kênh thông tin như đường dây nóng, nơi tiếp nhận thư… để làm thế nào ý kiến của người dân, đảng viên được tiếp nhận, góp phần cùng Trung ương chọn được những nhân sự như kỳ vọng. Song cũng phải nhấn mạnh rằng, quyền quyết định vẫn là Trung ương và tối cao là Đại hội.

Chính vì vậy, các đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc cũng phải là những người trong sáng, có trình độ, trách nhiệm, phẩm chất tốt.

PV: Việc kê khai tài sản đã được quy định rất rõ nhưng hiện nay đâu đó vẫn có những cán bộ giàu nhanh bất thường, có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản để cho vợ con, người thân đứng tên. Theo ông, phải có biện pháp gì để phát hiện ra những cán bộ có biểu hiện như vậy?

Ông Vũ Quốc Hùng: Những quy định về kê khai tài sản ở Việt Nam đã có và đã thực hiện nhiều năm nay. Việc kê khai tài sản còn là một thông lệ quốc tế đối với các quan chức. Nhưng vấn đề là làm thế nào để nhận biết điều trung thực trong khai báo ấy? Chỉ có cách là tránh khai báo một cách hình thức, căn cứ vào quy định tất cả mọi người đều phải kê khai tài sản của mình và ký ở dưới là chịu trách nhiệm về tính trung thực của sự khai báo ấy.

Sau đó các cơ quan chức năng được Trung ương cử ra, chọn những người thẳng thắn, trung thực, vô tư đi thẩm tra, xác minh xem những khai báo đó có đúng không. Nếu có điều gì khuất tất thì phải báo cáo đầy đủ với tổ chức.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết