Tiếng Việt | English

11/10/2017 - 09:35

Việc làm - nhu cầu bức thiết với nhiều nông dân Đồng Tháp Mười

Vấn đề này nghe có vẻ không hợp lý, bởi khu vực Đồng Tháp Mười (ĐTM) đất rộng, người thưa, mỗi năm sản xuất gần 400.000ha lúa, chiếm 2/3 tổng sản lượng lúa của tỉnh (toàn tỉnh khoảng 2,8 triệu tấn/năm) và chiếm phần lớn lượng thủy sản,... Tuy nhiên, việc làm lại là nhu cầu bức thiết của nhiều nông dân khu vực ĐTM.

Mặc dù đất rộng nhưng nhiều nông dân ở vùng ĐTM vẫn không có đất sản xuất hoặc có rất ít. Họ chủ yếu đi làm thuê và kiếm sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Những năm gần đây, việc đánh bắt thủy sản lại phụ thuộc vào thời tiết và điều kiện tự nhiên khác. Năm nào lũ lớn, nông dân có thêm thu nhập; những năm gần đây, lũ nhỏ nên họ thất thu từ nguồn lợi thủy sản. Còn làm thuê thì phụ thuộc vào mùa vụ. ĐTM gieo sạ tập trung, thu hoạch đồng loạt bằng cơ giới nên thời vụ diễn ra nhanh, người làm thuê cũng rút ngắn thời gian có việc.

So với các vùng khác trong tỉnh, ĐTM có đất rộng, lại tập trung nên dễ dàng đưa cơ giới hóa, điện khí hóa các khâu sản xuất, từ thủy lợi, cày, gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch, vận chuyển đều sử dụng máy móc. Đến vụ thu hoạch, thương lái mua lúa tại ruộng nên không mất công phơi, phóng.

Hiện nay, ngoài làm nông, các ngành nghề khác chưa phát triển mạnh ở ĐTM. Vì vậy, thời gian nông nhàn kéo dài, nông dân mong muốn có việc làm. Theo người dân nơi đây, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn chưa phát huy hiệu quả, bởi khó tìm đầu ra ổn định cho nông sản, tình trạng “được mùa, rớt giá” liên tiếp xảy ra.

Trong thực cảnh này, nhiều nông dân mong muốn, ĐTM có các khu, cụm công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Việc mang các nhà máy lớn về địa phương dễ gây ô nhiễm môi trường cùng nhiều khó khăn khác, nông dân cần các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành tiểu thủ công nghiệp để có thể tìm việc làm tại quê, tránh cảnh ly hương vốn nhiều khó khăn, phức tạp. Ngoài chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, nông dân ĐTM cũng mong muốn được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, giải quyết việc làm, tăng thu nhập bằng việc nuôi, trồng và có đầu ra sản phẩm để ổn định cuộc sống.

Mong rằng, chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm được việc làm, trang trải cuộc sống, không phải tha hương mưu sinh./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết