Tiếng Việt | English

31/08/2019 - 17:45

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An: Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai trong tố tụng hình sự

Thực hiện Nghị quyết số 96/2015/QH13, ngày 26/6/2015 của Quốc hội và Chỉ thị số 04/CT-VKSTC, ngày 10/7/2015 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao thực hiện Nghị quyết Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, VKSND tỉnh xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của ngành, nhiệm vụ trọng tâm nhất của đơn vị.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm trong thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh, trong đó có ngành Kiểm sát Long An có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; từng bước khắc phục được nhiều tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Các kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự, thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp ngay từ đầu với cơ quan điều tra và các đơn vị liên quan để yêu cầu điều tra, xác minh đúng và kịp thời, tăng cường hỏi cung, phúc cung bị can và thực hiện các hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền của VKSND nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

6 tháng đầu năm, VKS đã thụ lý kiểm sát điều tra: 875 vụ - 1.067 bị can, tăng 83 vụ - 105 bị can, phối hợp cơ quan điều tra giải quyết: 606 vụ - 688 bị can (đạt 69,25%, tăng 3,26% so với cùng kỳ năm 2018), chọn 39 vụ án trọng điểm phục vụ tình hình địa phương (đạt 7,3%). Kiểm sát viên ban hành 262 bản yêu cầu điều tra được điều tra viên chấp nhận; đã tiến hành tham gia hỏi cung 164 lần, trực tiếp hỏi cung 149 lần, phúc cung 33 lần nhằm làm rõ các tình tiết có liên quan đến vụ án bảo đảm truy tố có căn cứ, đúng pháp luật. Thụ lý kiểm sát xét xử 549 vụ - 742 bị cáo, tăng 88 vụ - 47 bị cáo, xét xử 32 vụ án rút kinh nghiệm, trong đó có 1 vụ truyền hình trực tuyến đến cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng xét xử, trong xét xử không để oan, sai. Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra xét xử đã ban hành 13 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, 7 kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật được các cơ quan chấp nhận.

Tuy nhiên, với tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm, các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu phải tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc tư pháp tiến bộ đã được hiến định thì việc chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm là yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt trong ngành Kiểm sát Long An. Thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cần nắm vững và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của VKS trong giải quyết án hình sự và nguyên tắc suy đoán vô tội.

Thứ hai, phải kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết đối với toàn bộ tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người không phạm tội ngay từ khi phát hiện dấu hiệu tội phạm; chủ động đề ra yêu cầu kiểm tra xác minh và yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện; kiểm sát viên phải lập kế hoạch với những yêu cầu cụ thể trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra.

Thứ ba, trong quá trình xét xử, kiểm sát viên phải chủ động xét hỏi để làm rõ nội dung cáo trạng và quan điểm giải quyết vụ án của VKS. Đồng thời, sử dụng chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa để tranh luận làm rõ tội phạm và người phạm tội, bảo vệ quan điểm truy tố của VKS. Tuyệt đối không được né tránh việc đối đáp với luật sư khi có yêu cầu của hội đồng xét xử.

Thứ tư, nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành và tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo đối với cán bộ, kiểm sát viên trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế sai sót trong nghiệp vụ dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Thứ năm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên. Cần chú trọng công tác sơ, tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm và từng bước thực hiện “Phiên tòa rút kinh nghiệm có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa”, sau đó làm tốt việc đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ sau phiên tòa.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo VKSND tỉnh và sự nỗ lực của cán bộ, kiểm sát viên, trong thời gian tới, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử đáp ứng tốt yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và của ngành đặt ra trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay./.

Võ Thành Đủ

Chia sẻ bài viết