Tiếng Việt | English

16/09/2015 - 09:45

Việt kiều “3 không”

Cuộc sống nơi xứ người bấp bênh, nhiều gia đình Việt kiều Campuchia lần lượt kéo nhau về quê hương sinh sống. Họ mang theo 3 điều không: Không tiền, không nghề nghiệp và không giấy tờ.


Hình ảnh các em nhỏ cơm không đủ no, áo không đủ ấm tại tuyến dân cư KT7, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng

Trong những năm đất nước còn chiến tranh, một phần do chạy loạn, một phần phải đi theo con nước để kiếm sống, nhiều người Việt đã rời bỏ quê hương đến Campuchia làm ăn, với mong muốn sẽ được giàu có.

Là người ở nơi khác đến, không biết tiếng Campuchia, không hiểu gì về luật pháp, không quen biết ai, cũng không nghề nghiệp, nên họ luôn bị dân bản địa chèn ép. Nếu làm lúa trúng mùa thì bị ép giá không thể bán, đánh bắt được nhiều cá thì cho là vi phạm pháp luật nên bị tịch thu.

Do đó, dù có cong lưng làm, họ cũng không thể nào kiếm đủ miếng ăn, cuộc sống rất vất vả, thường xuyên phải chịu cảnh “bữa đói, bữa no”. Đặc biệt, họ còn phải đối mặt với nguy cơ có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Vì lẽ đó, nhiều người trong số họ đã lần lượt kéo nhau về nước.

Hiện nay, huyện Tân Hưng có 173 hộ dân Việt kiều Campuchia, sống tập trung ở các xã: Hưng Hà, Hưng Điền B,…

Mang tiếng là Việt kiều nên nhiều người cứ nghĩ rằng họ rất giàu. Ngược lại, họ rất nghèo. Nơi che mưa, trú nắng của họ chỉ là những căn chòi lụp xụp được dựng lên bằng tre nứa dọc theo các con sông hoặc sống tạm bợ trên xuồng ghe. Vì vậy, chỉ cần một cơn gió mạnh hay một trận mưa lớn cũng có thể khiến họ không còn nơi để ở.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các Việt kiều Campuchia tại xã Hưng Hà được cho mượn đất xây nhà ở trong thời gian 3 năm tại tuyến dân cư KT7. Đặc biệt, họ cũng có thể mua lại đất với giá ưu đãi 24 triệu đồng/nền (diện tích 80m2). Tuy nhiên, đến nay dù đã nhiều năm, nhưng họ vẫn chưa có khả năng mua đất. Vì đa số họ là những người không nghề nghiệp, chủ yếu sống bằng nghề làm mướn nên không có khả năng để mua.

“Nhà nước cho gia đình tôi mượn đất xây nhà đã 10 năm nay, nhưng con cháu nheo nhóc, gia đình không có gạo ăn lấy tiền đâu mà mua đất” – bà Nguyễn Thị Nga, 53 tuổi, Việt kiều Campuchia hồi hương đang sống tại ấp Hà Thanh, xã Hưng Hà chia sẻ.

Việt kiều Campuchia hồi hương thường không có giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của mình nên địa phương không thể nhập hộ tịch cho họ. Ông Nguyễn Văn Đến, Việt kiều Campuchia hồi hương đang sống tại ấp Hà Thanh, xã Hưng Hà bày tỏ: “Gia đình tôi không có hộ tịch Việt Nam nên không thể làm giấy khai sinh cho các con nên không thể đi học được. Nếu thầy, cô trong trường thương thì cho chúng học hết lớp 5 để xóa mù chữ. Vì vậy, tôi mong gia đình mình sớm nhập được hộ tịch để các cháu được đến trường như bao trẻ em cùng trang lứa”.

“Người dân Việt kiều Campuchia về đây sinh sống, chính quyền không thể hỗ trợ họ vay vốn xóa đói giảm nghèo, hoặc được hưởng một nguồn lợi nào từ chính sách xã hội. Bởi, họ không có hộ tịch. Theo quy định của Nhà nước phải cư trú ở địa phương 20 năm mới được nhập hộ tịch” – Chủ tịch UBND xã Hưng Hà - Vũ Kim Thành cho biết.

Hầu hết người dân từ Campuchia trở về đều không biết tiếng Việt. Vì thế, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được chính quyền truyền đạt trực tiếp bằng miệng thông qua các cuộc họp tại địa phương.
Không có giấy tờ tùy thân, không đất đai canh tác lại không nghề nghiệp, cuộc sống của họ khác nào thân tầm gửi. Nhiều người dân Việt kiều Campuchia đang khao khát có giấy tờ hợp pháp để họ có thể tìm kiếm việc làm ổn định và con cái có điều kiện đến trường. Chỉ có như vậy, cuộc sống của họ mới có ngày mai tươi sáng hơn./.

Lê Ngọc

 

Chia sẻ bài viết