Tiếng Việt | English

25/05/2016 - 15:50

Việt kiều hồi hương vẫn là con Lạc cháu Hồng

Những năm gần đây, Việt kiều Campuchia về nước sinh sống trên địa bàn các xã biên giới trong tỉnh Long An ngày càng tăng. Tuy nhiên, đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn đi làm mướn, bán vé số kiếm sống, 100% trẻ em thất học, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên địa bàn.

Nhiều bà con Việt kiều Campuchia không có nổi túp lều nên cả gia đình phải sống chật vật trên những chiếc ghe nhỏ xíu

Chúng tôi đến xóm Việt kiều ở ấp Rạch Mây, xã biên giới Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, chứng kiến cảnh cơ cực của bà con Việt kiều Campuchia hồi hương đang sống trên tuyến biên giới của tỉnh. Dù được chính quyền, nhân dân địa phương đùm bọc, giúp đỡ, nhưng do về nước với hai bàn tay trắng, không có vốn liếng, không ruộng đất sản xuất nên họ phải sống trong những túp lều tạm bợ trên bên bờ kênh thuộc khu dân cư xã Tuyên Bình.

Trước đây, họ là Việt kiều sinh sống ở Campuchia, nhưng do không có điều kiện tối thiểu để được định cư, hoặc do điều kiện sống quá khó khăn, nên họ quay trở lại Việt Nam, và hình thành nên hàng chục xóm Việt kiều trên toàn tuyến biên giới Long An, Svay Rieng. Một tấc đất không có, nghề nghiệp cũng không, phải sống trong những căn lều như “ổ chuột”.

Nhiều chuyện bi hài cũng xảy ra khi những đứa trẻ ở xóm Việt kiều cứ ngơ ngơ không hòa nhập được cộng đồng vì chẳng biết tiếng Việt hoặc chỉ biết bập bẹ. Hỏi chuyện cư dân ở xóm Việt kiều này thì khoảng 99% bà con không biết chữ. Khi biết chúng tôi cần tìm một người có thể đọc được chữ Việt thì một cư dân đạp xe đi tìm, chừng 10 phút sau chở đến một người tự nhận là biết đọc, biết viết.

Ông "trí thức" của xóm Việt kiều này phải vất vả lắm mới đọc được vài hàng chữ viết tay mà chúng tôi đưa cho. Hỏi chuyện mới biết được thân phận tha hương bao nhiêu năm nay ở xứ người chẳng làm cho họ đổi đời mà trái lại họ càng thêm nghèo, khi hồi hương, họ trở thành khách lạ trên chính Tổ quốc mình.

Ông Nguyễn Văn Nghi "trí thức" của xóm Việt kiều kể: “Xóm này chủ yếu là dân miền Tây, làm nghề đánh cá ở Biển Hồ Campuchia. Vài năm gần đây, nước bạn siết chặt các tiêu chí định cư và quốc tịch nên phải trôi dạt về đây. Không biết chữ, không giấy tờ tùy thân, họ không được phép đi ra khỏi địa bàn, trẻ em không được đến trường, thanh niên trưởng thành không được vào làm ở các công ty, xí nghiệp, nên họ chủ yếu làm thuê, làm mướn trong những vụ mùa, thời gian còn lại thì vớt lục bình, bán vé số hoặc ngồi chờ cứu trợ, sống lây lất qua ngày”.

Trước thực trạng này, những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An chỉ đạo các Đồn Biên phòng mở 4 lớp học tình thương xóa mù chữ cho gần 100 học sinh là con em Việt kiều trên tuyến biên giới của tỉnh, nhưng số lượng Việt kiều hồi hương ngày càng đông đang là gánh nặng về văn hóa, kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới của tỉnh.

Trẻ em ở xóm Việt kiều Campuchia ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Tuyên Bình cho biết: “Khu vực ấp Rạch Mây có 29 hộ Việt kiều với 157 nhân khẩu sinh sống, 100% số hộ thuộc diện nghèo, do ăn ở tạm bợ trên bờ kênh, sinh hoạt, tắm giặt, vệ sinh, chất thải cũng trút xuống dòng kênh. Về lâu dài, nếu không có giải pháp để sớm định cư cho các hộ này sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và an ninh, trật tự địa bàn biên giới”.

Hiện nay, số bà con Việt kiều Campuchia hồi hương về sinh sống ở các xã biên giới Long An tập trung chủ yếu ở ấp Bình Châu, thuộc xã Tuyên Bình, ấp Láng Đao thuộc xã Thái Bình Trung, khu vực Gò Chùa, ấp 1, ấp 2 xã Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng), ấp Hà Thanh thuộc xã Hưng Hà, ấp Cây Me, thuộc xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng). Những người này cư trú bất hợp pháp trên địa bàn biên giới nhưng địa phương không nỡ làm căng vì hầu hết rất nghèo khó, lại không có giấy tờ tùy thân, không có bà con thân thuộc ở cố hương nên không biết nương nhờ vào ai!

Theo quy định của Nhà nước phải cư trú ở địa phương 20 năm mới nhập quốc tịch, trong khi bà con Việt kiều ở Biển Hồ Campuchia về đây chỉ dưới 10 năm. Không nhập được quốc tịch, không có có giấy tờ tùy thân, nên không được vay vốn, không xin được việc làm ở các công ty, xí nghiệp, không được đi làm ăn xa ra khỏi địa bàn. Chính quyền các cấp cần có chính sách hợp lý để tháo gỡ khó khăn, giúp bà con sớm được nhập tịch và lập nghiệp, góp phần cùng địa phương xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững chắc trên địa bàn biên giới./.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tỉnh, số Việt kiều từ Campuchia về nước năm 2010 đến nay có 277 hộ với 1.182 nhân khẩu. Trong đó, gần 1.000 nhân khẩu chưa được nhập quốc tịch Việt Nam.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết