Tiếng Việt | English

19/05/2021 - 09:31

Việt Nam dự Phiên họp của Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền

Phiên họp trực tuyến của Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền của IPU thảo luận về chủ đề: Luật pháp trên toàn thế giới về chống bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em trên không gian mạng.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà. (Nguồn: quochoi.vn)

Tối 18/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp trực tuyến của Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền của IPU trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 142 (IPU-142).

Phiên họp trực tuyến của Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền của IPU thảo luận về chủ đề: Luật pháp trên toàn thế giới về chống bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em trên không gian mạng.

Các đại biểu cho rằng thế giới kỹ thuật số đã mang lại nhiều cơ hội về dân chủ và kinh tế. Việc sử dụng internet phổ biến trên toàn thế giới; kết nối internet ngày càng tốt và nhanh hơn. Tuy nhiên, mặt trái của sự bùng nổ internet là trẻ em ngày càng dễ bị tổn thương hơn vì các đối tượng, thành phần độc hại có thể dễ dàng tiếp cận trẻ em hơn qua không gian mạng.

Tháng 9/2019, Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em đã thông qua Hướng dẫn về chống bóc lột tình dục trẻ em và mua bán trẻ em trong thời đại kỹ thuật số.

Ủy ban kết luận, bất kể một số tiến bộ, vẫn còn khoảng trống pháp lý cấp quốc gia cần được khắc phục để chiến đấu hiệu quả hơn trên không gian mạng nhằm chống lạm dụng, bóc lột tình dục trẻ em. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng nguy cơ trực tuyến đối với trẻ em do gia tăng sự cô lập xã hội và sự bấp bênh về kinh tế.

Các đại biểu đề nghị, Nghị quyết của Ủy ban cần tập trung vào cách thức mà các nghị viện có thể thúc đẩy, củng cố pháp luật ở cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục trên không gian mạng.

Các đại biểu cũng trao đổi quan điểm về các phương pháp, cách làm hay nhất nhằm cải thiện việc thực thi pháp luật và việc sử dụng công nghệ, dữ liệu lớn để xác định thủ phạm lạm dụng, bóc lột tình dục trẻ em.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết nhằm hạn chế tình trạng khai thác, bóc lột tình dục trẻ em trên không gian mạng, Việt Nam cần đạt được một số giải pháp sau: Về khuôn khổ pháp lý, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung và pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.

Chính phủ cần ban hành văn bản triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, có chính sách quan tâm đến đối tượng trẻ em yếu thế, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng như khẩn trương ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết về việc thi hành Luật An ninh mạng, có giải pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu độc trên mạng có thể dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại.

Đồng thời, Việt Nam tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giáo dục truyền thông hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát sự tiếp cận, sử dụng môi trường mạng một cách an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng nhấn mạnh các cơ quan hữu quan cần tăng cường nghiên cứu xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì trong quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối các bộ, ngành thúc đẩy hợp tác công-tư.

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời tư, bí mật cá nhân; quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ trẻ em tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, bày tỏ ý kiến nguyện vọng; sớm đánh giá tổng kết về hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm xâm hại trẻ em, trong đó có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, không để những khoảng trống pháp lý trong chế độ này; kịp thời bổ sung những chế định, xử lý những hành vi vi phạm mới phát sinh, bảo đảm tính răn de, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ trẻ em./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết