Tiếng Việt | English

23/01/2016 - 05:12

Việt Nam không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền

Thượng tướng Võ Tiến Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện quốc phòng đã khẳng định như trên trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội XII của Đảng.

 

Thượng tướng Võ Tiến Trung - Ảnh: V.S

Thượng tướng Võ Tiến Trung nhấn mạnh: "Chúng ta giải quyết các vấn đề quốc tế bằng con đường hòa bình, hữu nghị, nhưng nói như thế không phải là chúng ta không sẵn sàng giữ vững đất nước. Nếu không thương thảo được để giữ bằng con đường hòa bình, buộc chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh quân sự.

Chúng ta chỉ tự vệ khi giữ nước, không đe dọa ai, không sử dụng vũ lực với bất cứ trường hợp nào, trừ trường hợp họ buộc chúng ta phải cầm súng".

- Nhưng liệu ta có nhân nhượng trong một trường hợp cụ thể?

+ Đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì không ai có quyền nhân nhượng. Nhưng, chúng ta bình tĩnh giải quyết bằng con đường hòa bình, thương thảo, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý chứ không bao giờ nhân nhượng.

- Đâu là ngưỡng chấp nhận của việc đấu tranh hòa bình đó?

+ Tức là không dùng sức mạnh quân sự để tiến công xâm lược vào biển đảo chúng ta, đó là ngưỡng cuối cùng.

- Thực tế việc xâm lược có thể chuyển sang một hình thái mới, như thay vì dùng quân sự, họ dùng lực lượng dân sự vi phạm chủ quyền của ta?

+ Thì ta dùng dân sự đấu tranh trở lại. Như vừa rồi, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, mặc dù họ dùng tàu quân sự và các phương tiện khác bảo vệ, nhưng chúng ta đã dùng lực lượng chấp pháp như kiểm ngư, cảnh sát biển và nhân dân đánh cá ra quây lại, nói cho người Trung Quốc hiểu rằng họ hạ đặt giàn khoan ở đó là xâm phạm đến chủ quyền của VN, quyền chủ quyền của VN, vi phạm công ước LHQ về Luật biển 1982.

Chúng ta đấu tranh quyết liệt, buộc họ phải đưa giàn khoan đi. Các phương pháp đấu tranh của chúng ta vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo và hết sức hữu nghị, mặc dầu đấu tranh hết sức quyết liệt như vậy, nhưng không tạo ra đối đầu, xung đột, chiến tranh.

- Sự phối hợp giữa lực lượng quân sự và dân sự của chúng ta như thế nào?

+ Việt Nam có truyền thống phối hợp chặt chẽ giữa quân và dân, giữa thế trận chiến tranh nhân dân và lực lượng chủ lực. Nhân dân luôn đứng về phía quân đội, bảo vệ, cưu mang quân đội, cùng quân đội chiến đấu để bảo vệ chủ quyền. Dĩ nhiên chúng ta có kế hoạch, có luyện tập và có phương án.

- Gần đây, Trung Quốc có hành vi vi phạm chủ quyền của nước ta, như đưa máy bay đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN? Ông có bình luận gì?

+ Việc làm đó của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trái với luật pháp quốc tế, ta đã có phản ứng. Không chỉ ta mà các nước cũng phản ứng. Tôi mong vì tình hữu nghị hai nước, vì thực hiện thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Trung Quốc chấm dứt việc làm vi phạm đó.

Chúng ta phải đấu tranh làm sao để Trung Quốc nhận ra vấn đề, chấm dứt việc vi phạm này, đấu tranh bằng con đường hòa bình, hữu nghị, chứ không phải chúng ta sử dụng đấu tranh vũ trang.

- Với mong muốn nghiên cứu, chế tạo vũ khí hiện đại, có thể hiểu chúng ta sẽ chế tạo máy bay, tàu ngầm?

+ Không. Bây giờ không thể nói rõ được. Chúng ta muốn bảo vệ Tổ quốc, ngoài việc bỏ tiền đi mua sắm, trang bị những vũ khí hiện đại của nước ngoài, chúng ta phải tự chủ bằng trí tuệ người Việt Nam, bằng khả năng công nghiệp Việt Nam.

Từng bước nghiên cứu những vũ khí công nghệ cao để trang bị cho quân đội. Hiện nay chúng ta đủ vũ khí bộ binh, trang bị cho tất cả lực lượng lục quân rất hiện đại, chúng ta đã nghiên cứu ra phương tiện thông tin hiện đại để trang bị cho lực lượng thông tin, có thể nói ngang với các nước tiên tiến nhất hiện nay.

- Chúng ta từng bước hiện đại hóa quân đội, nhưng cố gắng đến bao nhiêu thì thực lực không thể bằng một số nước về trang thiết bị vũ khí. Là một sĩ quan quân đội, ông nghĩ sao về điều này?

+ Trong cuộc đấu trí và đấu lực, chúng ta từng đánh nhau với các nước lớn xâm lược chúng ta. Vũ khí trang bị là một mặt thôi. Vũ khí trang bị là một yếu tố hết sức quan trọng bên cạnh yếu tố con người, yếu tố chính trị.

Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta bảo vệ Tổ quốc của mình, chúng ta tự vệ, vì vậy chúng ta sẽ được cả thế giới, dư luận tiến bộ, yêu chuộng hòa bình đứng về chúng ta. Tuy vũ khí chúng ta ít, chúng ta có hiện đại hóa nhưng số lượng rất ít và có những vũ khí chúng ta không hiện đại bằng họ, nhưng với tinh thần con người VN, với trách nhiệm tự vệ, do đó chúng ta có sức mạnh về chính trị.

Hai yếu tố này hòa quyện với nhau thì tạo sức mạnh tổng hợp.

- Có ý kiến là VN đầu tư, trang bị bao nhiêu khí tài quân sự thì Trung Quốc nhiều tiền hơn và sẵn sàng có thể trang bị gấp 10 lần VN?

+ Chúng ta với đường lối tự vệ, vì vậy mua sắm vũ khí trang bị vừa phải, đủ sức, đúng với khả năng nền kinh tế. Và chúng ta có sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của chính nghĩa kết hợp vũ khí vừa phải để chúng ta bảo vệ đất nước.

Chúng ta không vào cuộc đua vũ trang, không so sánh chúng ta hơn Trung Quốc hay bằng họ. Thực ra, chúng ta không xác định Trung Quốc là người phải đánh nhau với chúng ta.

Chúng ta luôn tìm mọi cách và Đảng ta luôn chủ trương Trung Quốc là đối tác chiến lược, là bạn bè, cùng nhau giữ hòa bình trên biển. Cho nên chúng ta không phải so sánh vũ khí, trang bị của chúng ta với Trung Quốc.

Và đặc biệt chúng ta không so sánh vũ khí của chúng ta với Hoa Kỳ, Nhật Bản được, vì họ là nước lớn, rất giàu. Không phải họ có tên lửa tầm xa thì ta cũng phải có tên lửa tầm xa, họ có 10 chiếc tàu ngầm thì ta cũng phải có 10 chiếc tàu ngầm…

- Hiện nay mình đang đa dạng hóa, đa phương hóa thì liệu việc trang thiết bị vũ khí lâu nay mua từ Nga, tới nay có mở rộng theo hướng đang hội nhập không?

+ Lâu nay chúng ta vẫn dùng vũ khí của Nga và phương tiện vũ khí của Nga rất hợp với đất nước chúng ta, vừa hợp giá cả, phương tiện và hai là về công nghệ. Ta đang có hướng mua một số vũ khí của một số nước khác, nhưng hết sức cân nhắc.

- Tham luận tại Đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch có nói đến “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”, ông có thể giải thích rõ hơn?

+ Giữ vững đất nước từ xa, hay nói cách khác giữ đất nước từ khi chưa lâm nguy nghĩa là chúng ta phải học tập ông cha, xây dựng phát triển kinh tế đi đôi với quốc phòng, an ninh.

Đất nước mạnh lên, có thêm nguồn lực xây dựng quân đội, đất nước, đặc biệt ở đây là xây dựng thế trận lòng dân, để nhân dân tin vào Đảng, tin vào chế độ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chế độ ấy.

Bên cạnh lòng yêu nước của nhân dân, chúng ta phải chuẩn bị thế trận quốc phòng, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chúng ta phải mạnh lên cả kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh.

Ngày xưa ông cha ta gửi lính vào nhà nông, khi có chiến tranh trở thành lính và không có chiến tranh thành nông dân. Bây giờ chúng ta cũng vậy, chuẩn bị lực lượng quân sự mạnh bên cạnh đó có lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và chuẩn bị lòng dân để khi có chiến tranh thì toàn dân biến thành cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc./.

Nguồn: Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết