Tiếng Việt | English

29/05/2016 - 20:10

Việt Nam thể hiện có trách nhiệm với thách thức của khu vực, thế giới

Lần đầu tiên được mời tham dự Hội nghị G7 mở rộng, cho thấy nhóm này đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới.

Những ngày vừa qua, thành phố Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản, một trong những khu nghỉ dưỡng và du lịch nổi tiếng của Nhật Bản trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới, vì nơi đây diễn ra Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 và Hội nghị G7 mở rộng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo nhóm G7 và các nước

Đối với dư luận trong nước, trọng tâm chú ý là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Sau khi tham dự Hội ngị G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Nhật Bản, cùng người đồng cấp là Thủ tướng Shinzo Abe hội đàm, đi đến thống nhất hợp tác nhiều vấn đề quan trọng, củng cố sự hợp tác toàn diện, chặt chẽ giữa hai nước.
G7 là nhóm nước công nghiệp phát triển gồm 7 nước là Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Italia, Hoa Kỳ và Canada, chiếm tới 64% tài sản toàn cầu và 47% GDP thế giới. Đây là tổ chức có tiếng nói quan trọng về nhiều vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế của thế giới. Do đó, ngoài các nước G7, Hội nghị có nhiều khách mời quan trọng là một số quốc gia, trong đó có Việt Nam và nhiều tổ chức kinh tế lớn của thế giới.

Lịch sử 42 năm, lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Điều đó thể hiện các thành viên G7, đặc biệt là Nhật Bản, đánh giá cao thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới. Chuyến tham dự Hội nghị lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng là triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo các nước

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tập trung thảo luận về 5 nhóm vấn đề là cơ sở hạ tầng chất lượng cao; Thiên tai, hạn hán; An ninh khu vực; Các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề phụ nữ và y tế; Hợp tác với châu Phi.
Nhìn vào kết quả Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, các nước rất quan tâm vấn đề ứng phó với thách chung của cộng đồng quốc tế, sự suy giảm kinh tế thế giới, vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các nước kém phát triển hơn… Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khái quát rằng, để giải quyết được các thách thức đó, thế giới cần đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: “Chính trong hội nghị này chúng ta chia sẻ những quan điểm về hai nội dung quan trọng đó. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ nội dung triển khai chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đến năm 2020, trong đó có tạo đột phá phát triển cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm và mong cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và bền vững. Thứ hai là nước ta chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, trong đó nổi bật là hạn hán và mặn xâm nhập, được cộng đồng quốc tế rất quan tâm. Những nước chủ nhà như Nhật Bản hay G7 và các tổ chức quốc tế như WB, ADB… đều quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó quan tâm giúp Việt Nam triển khai trong trung và dài hạn ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập".

Thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với những vấn đề đặt ra của khu vực và thế giới, trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là quyết định của Nhật Bản mở rộng lĩnh vực và phạm vi hỗ trợ của sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á. Thủ tướng cảm ơn các nước G7 và các tổ chức quốc tế, hỗ trợ Việt Nam và các nước tiểu vùng sông Mê Công tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị này, Thủ tướng đã hoan nghênh và chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về các thách thức đối với hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Đồng thời kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC). Quan điểm này được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ.


Toàn cảnh Hội nghị G7 mở rộng

Chính tại Hội nghị G7, các nước đã ra tuyên bố chung, có nội dung về an ninh hàng hải ở Biển Đông. Trong đó khẳng định các hoạt động đơn phương, tôn tạo, bồi đắp đảo trên Biển Đông gây mất ổn định, căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình. Chính vì vậy các nước kêu gọi các bên kiềm chế, sử dụng các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon

Trong khuôn khổ chuyến tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với Lãnh đạo nhiều nước G7 như Đức, Italy, Hoa Kỳ, Anh, và các nước khác; nhiều cuộc gặp quan trọng với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); Ủy ban Châu Âu (EC); Hội đồng Châu Âu, và nhiều tổ chức khác. Thành công của các cuộc tiếp xúc này, chính là các nước, các tổ chức quốc tế đều cho biết sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam phát huy và nâng cao vai trò hơn nữa trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; chia sẻ tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập và cam kết hỗ trợ lâu dài cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng; thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị đối thoại chính sách Việt Nam-Nhật Bản

Trong lịch trình bận rộn, Thủ tướng cũng đã tham dự cuộc Đối thoại Chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam – Nhật Bản với sự tham dự của hàng trăm nhà đầu tư. Đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư Nhật Bản, Thủ tướng một lần nữa khẳng định, Việt Nam tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuân lợi nhất cho các nhà đầu tư, mong có nhiều hơn nữa các thương hiệu lớn của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.
Sau khi kết thúc tốt đẹp và rất thành công chuyến tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Nhật Bản. Mặc dù là nước chủ nhà, bận rộn với công tác tổ chức Hội nghị G7 và Hội nghị G7 mở rộng, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe đã sắp xếp để đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất trọng thị ngay tại Thủ đô Tokyo. Chuyến thăm góp phần đưa quan hệ Hợp tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản ngày càng thực chất và hiệu quả.


Hai Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam-Nhật Bản tiến hành hội đàm

Trong chuyến thăm này, hai Thủ tướng đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng. Về chính trị, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa hai nước.
Về kinh tế, Thủ tướng Abe khẳng định tiếp tục cung cấp ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu. Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua việc triển khai Giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt - Nhật trong năm 2016 và khẳng định hợp tác chặt chẽ triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn về cơ sở hạ tầng hai nước, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ rõ tin tưởng vào những cam kết mà hai bên đạt được: “Tôi đánh giá cao việc Ngài Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định tiếp tục cung cấp ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm Phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Châu Á và kết luận Hội nghị G7, triển khai Sáng kiến kết nối Mê Công - Nhật Bản. Chúng tôi cũng khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; nhất trí tăng cường hợp tác về đầu tư, thương mại, tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh và hợp tác giữa địa phương hai nước...

Trong chuyến thăm này, Nhật Bản đã quyết định hợp tác và viện trợ không hoàn lại 2,5 triệu USD để giúp Việt Nam ứng phó thiệt hại do hạn hán và mặn xâm nhập. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản sẽ xem xét các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trung vài dài hạn tại Việt Nam, trên cơ sở khảo sát thực tế trong thời gian tới.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết: “Nhật Bản đã công bố sáng kiến xuất khẩu hạ tầng chất lượng với quy mô trị giá khoảng 200 tỷ USD. Tôi đã giải thích quan điểm mà Nhật Bản sẽ góp phần cải thiện hạ tầng chất lượng cao trên thế giới và tôi vui mừng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ủng hộ sáng kiến này. Về đảm bảo an ninh trên biển, Nhật Bản sẽ hợp tác nâng cao năng lực chấp pháp trên biển của Việt Nam, để thực hiện nguyên tắc “luật pháp thống trị trên biển” và đẩy nhanh tiến độ khảo sát hướng đến việc đóng mới tàu tuần tra cho Việt Nam. Ngoài ra, tôi cho rằng việc hai bên đã đạt được thỏa thuận tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ là rất có ý nghĩa”.

Chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hành động tôn tạo, xây đảo quy mô lớn, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; các bên liên quan không có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).


Hai Thủ tướng chứng kiến trao đổi Hiệp định vay cho ba dự án

Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng hai nước cũng đã chứng kiến các bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 05 văn kiện ký kết, trong đó có 04 văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền 1,5 tỷ USD.
Có thể nói đây là giai đoạn quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển tốt đẹp nhất. Từ mối quan hệ thương mại, hữu nghị của hai nước từ thế kỷ 15, nhân dân hai nước đã thiết lập niềm tin hợp tác, và đây là thời kỳ mới, có nhiều thuận lợi để hai nước hợp tác chiều sâu, hiệu quả hơn.

Một chi tiết khiến Thủ tướng và đoàn đến Nhật Bản lần này thấy ấm áp, đó là người Nhật dành tình cảm quý mến, thân thiện, chân thành và tôn trọng đối với Việt Nam. Khi xe chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cắm cờ Việt Nam về đến khách sạn, rất nhiều người Nhật đã nhận ra và vẫy tay chào, đồng thời gọi tên Việt Nam. Thủ tướng cũng vẫy tay chào đáp lại tình cảm chân thành quý mến đó./.

Vũ Dũng/VOV

Chia sẻ bài viết