Tiếng Việt | English

08/08/2016 - 19:14

Việt Nam xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu

Trồng rừng ngập mặn tại Bạc Liêu. (Ảnh: Phan Thanh Cường/TTXVN)

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức họp tổ công tác xây dựng Kế hoạch đến năm 2030 thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu.

Mục tiêu của cuộc họp này là xác định được các hoạt động phù hợp, các giải pháp đến năm 2020 và 2030 để thực hiện đầy đủ các quy định áp dụng cho Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về khí hậu, trong đó cụ thể là việc thực hiện các cam kết giảm nhẹ phát thải nhà kính (KNK), tăng trưởng xanh trong Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC); thực hiện các cam kết thích ứng với biến đổi khí hậu trong INDC; chuẩn bị nguồn lực về con người, công nghệ và tài chính để thực hiện các cam kết về thích ứng và giảm nhẹ, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng cácbon thấp, chống chịu cao.

Bên cạnh đó, thiết lập và vận hành hệ thống công khai, minh bạch (MRV) nhằm giám sát, đánh giá việc thực hiện thích ứng, giảm nhẹ, chuẩn bị nguồn lực; hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập môi trường thuận lợi và tập trung nỗ lực quốc gia cho ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc đánh giá thực trạng để điều chỉnh các chính sách, chiến lược, kế hoạch quốc gia nhằm hài hòa giữa ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề liên vùng, liên ngành, thu hút nguồn lực tư nhân và hỗ trợ quốc tế.

Theo giáo sư-tiến sỹ Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, trong quá trình xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu, cần có chiến lược đầu tư cho INDC, trong đó chú ý đến các vấn đề về bức tranh toàn cảnh của đầu tư khí hậu ở Việt Nam như thế nào (tài chính sẵn có, năng lực của ngành tài chính, những rào cản chính của tài chính).

Cần can thiệp tài chính, đầu tư gì để Việt Nam đạt được mục tiêu INDC (dòng tài chính cần chuyển đổi, nhu cầu về hạ tầng, ước tính chi phí, những lỗ hổng ở cấp dự án); cũng như biện pháp đơn phương Việt Nam dùng để huy động đầu tư (các hành động về cơ chế chính sách, vai trò của đầu tư công và cơ quan tài chính, làm thế nào để huy động tài chính tư nhân); nền tảng của chiến lược để đề nghị hỗ trợ quốc tế là gì (làm thế nào để hỗ trợ quốc tế làm tăng kỳ vọng, xác định rõ loại nhu cầu tài chính, xác định nguồn tài chính cần tiếp cận, xây dựng đề cương cụ thể cho các chương trình)?

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, các giải pháp trong việc xây dựng thực hiện Thỏa thuận Paris tập trung vào việc triển khai đồng bộ và phù hợp với các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tăng cường nguồn lực, công khai, minh bạch, hoàn thiện chính sách, thể chế.

Các bộ, ngành, địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch, chịu trách nhiệm đưa ra các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đến năm 2020 và 2030; có trách nhiệm huy động, quản lý nguồn lực huy động được cho ứng phó với biến đổi khí hậu theo đúng các định hướng ưu tiên được nêu ra tại Kế hoạch.

Nguồn vốn thực hiện có thể được huy động thông qua là ngân sách nhà nước cấp trực tiếp (bao gồm cả Trung ương và địa phương), ngân sách nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, hỗ trợ quốc tế (trực tiếp hoặc thông qua chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu), nguồn lực các doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng.

Nhà nước ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ nhiều nguồn để thực hiện Kế hoạch này, đặc biệt cho hoàn thiện thể chế, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện các đầu tư cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề như cơ hội, thách thức của Thỏa thuận Paris về khí hậu đối với Việt Nam; Kế hoạch đến năm 2030 thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu, Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định và thực hiện giảm nhẹ phát thải nhà kính tại Việt Nam đến năm 2030, đánh giá sơ bộ tác động của Thỏa thuận Paris về khí hậu tới Việt Nam.../.

Thắng Trung/TTXVN 

Chia sẻ bài viết