Tiếng Việt | English

27/02/2018 - 15:54

Kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2018)

Viết từ nơi chắt chiu sự sống

Nếu có một nơi nào đó, mọi người phải làm việc thâu đêm suốt sáng với áp lực cao, không có ngày nghỉ, không có ngày lễ, tết thì nơi đó chỉ có thể là... khoa cấp cứu!

17 giờ

Khi các phòng, ban khác của bệnh viện đóng cửa, nhân viên y tế trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả thì khoa cấp cứu vẫn sáng đèn, bác sĩ, y tá, điều dưỡng vẫn làm việc bình thường! Những ngày cuối tuần, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Long An tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân, ngày thường, con số đó có thể ít hơn một chút. Dịp lễ, tết, áp lực công việc càng tăng, bệnh nhân cấp cứu tăng nhiều, chủ yếu do tai nạn giao thông. Làm việc ở khoa cấp cứu, các bác sĩ, điều dưỡng phải là người rất “vững” tinh thần để có thể đối diện với những ca bệnh nặng, những căng thẳng của người nhà bệnh nhân và cả những cơ thể bê bết máu vì tai nạn giao thông. 

Các bác sĩ khoa cấp cứu vẫn miệt mài thăm khám từng bệnh nhân khi ngoài kia, phố đã lên đèn

Chiều tan tầm, khi mọi người hối hả về nhà thì các bác sĩ, điều dưỡng tranh thủ lúc không có bệnh nhân, thay phiên nhau ăn vội bữa cơm. Trực ở khoa cấp cứu, bác sĩ, điều dưỡng không được rời vị trí, vì bệnh nhân có thể nhập viện bất cứ lúc nào. Chính vì thế, họ phải luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”. 

19 giờ

Lúc này, có 4 bệnh nhân chờ lọc bệnh, bên trong khoa cấp cứu, các bác sĩ, điều dưỡng đang tiến hành cấp cứu cho khoảng 10 bệnh nhân khác. Một cô bé đau bụng đến tím tái, một bà lão bị tuột đường huyết đến ngất xỉu, một thanh niên bị tai nạn giao thông, gãy chân trái,... Tiếng còi xe, tiếng bánh xe lăn rít trên nền gạch, tiếng rên khe khẽ của bệnh nhân, tiếng người nhà lo lắng hỏi thăm xen lẫn vào nhau. Và ở đó, bác sĩ tất bật thăm khám từng người bệnh. 

Các bác sĩ khoa cấp cứu vẫn miệt mài thăm khám từng bệnh nhân khi ngoài kia, phố đã lên đèn

Lo lắng đưa con gái vào khoa cấp cứu, người mẹ rối bời: “Nó đau bụng từ sáng giờ mà không nói. Càng lúc càng đau tới nỗi xanh người luôn!”. Bác sĩ thăm khám xong, chị vội đưa con đi làm xét nghiệm. Phía cửa, chiếc taxi đỗ xịch, người đàn ông bế thốc mẹ mình chạy vào khoa cấp cứu. Bác sĩ có mặt, nhanh chóng đưa bà vào khoa cấp cứu. Sau một lúc thăm khám, tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu, bà lão tỉnh lại. Người con trai mừng quýnh: “Tỉnh rồi, mẹ tỉnh lại rồi!”.

21 giờ

Lúc này, khoa cấp cứu bắt đầu “vắng khách”! Bác sĩ, điều dưỡng chuẩn bị thay ca trực. Dù ca trực chính thức bắt đầu lúc 22 giờ nhưng khoảng 21 giờ, các bác sĩ ca sau đến tiếp nhận bệnh án và nhận bàn giao công việc. Khi mọi người chuẩn bị cho giấc ngủ ngon trên chiếc giường ấm áp quen thuộc thì tại khoa cấp cứu, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng lại chuẩn bị cho ca làm việc mới. 

Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ Bùi Hoàng Hải cho biết: “Giờ này thường bớt bệnh hơn nên cũng có lúc, chúng tôi thay phiên nhau trực để nằm nghỉ một chút nhưng thời điểm trước, trong tết thường không được nghỉ”. Các bác sĩ không được nghỉ vì đây là thời điểm số lượng bệnh nhân cần cấp cứu tăng đột biến, nhất là nạn nhân bị tai nạn giao thông. Không có bệnh nhân mới vào, các bác sĩ vừa tranh thủ xem hồ sơ bệnh án, vừa thăm khám, chăm sóc các bệnh nhân đang nằm cấp cứu trong phòng. Bác sĩ Hải cho biết: Mỗi ca trực cấp cứu có 2 bác sĩ chính và 7 điều dưỡng. Vào những dịp cao điểm, bệnh nhân cấp cứu tăng cao, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, khoa cấp cứu phải nhờ bác sĩ chuyên khoa đến hỗ trợ. Trường hợp nào không nặng thì làm hồ sơ nhập viện, trường hợp khẩn cấp thì bệnh nhân được đưa vào khoa cấp cứu. 

Trực đêm, trực lễ, ăn tết trong bệnh viện trở thành điều quen thuộc của các bác sĩ khoa cấp cứu. Áp lực và vất vả thành quen nên dù cho ngoài kia, phố phường đã ngủ, hay người người đang sum họp với nhau thì khoa cấp cứu vẫn sáng đèn, người mặc áo blouse trắng vẫn miệt mài chắt chiu từng sự sống./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết